Vì sao đã đến lúc Việt Nam cần đánh thuế đồ uống có đường?

Nam Phương

(Dân trí) - Mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Nước ngọt có thể mang lại cho bạn cảm giác sảng khoái, nhưng lại gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Theo đó, Bộ sẽ nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường..., trong đó có đồ uống có đường.

Đồ uống có đường hay nước ngọt gồm tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường.

Đường tự do là các đường đơn (như glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn) được thêm vào thực phẩm và đường tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (có trong mật ong, siro, nước ép hoa quả và nước hoa quả cô đặc).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đến năm 2021 có ít nhất 50 quốc gia thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

Tiêu dùng nước ngọt ở Việt Nam tăng nhanh chóng

Tiêu dùng đồ uống có đường ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở nhóm trẻ.

Cụ thể, tiêu thụ nước giải khát (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh qua các năm. Năm 2002, trung bình mỗi người dân chỉ tiêu thụ khoảng 6 lít đồ uống có đường, thì đến năm 2013 con số này đã là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít.

Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2016, lượng tiêu thụ đồ uống có ga đã tăng gấp 3 lần, nước trái cây tăng 10 lần, sản phẩm đồ uống thể thao và nước tăng lực tăng 9 lần và sản phẩm trà/café hòa tan tăng 6 lần.

Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có dân số với độ tuổi 15-45 chiếm tỷ lệ hơn 46%. Đây là độ tuổi được đánh giá là có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của các nhà sản xuất.

Vì sao đã đến lúc Việt Nam cần đánh thuế đồ uống có đường? - 1

Tỷ lệ học sinh 13-17 tuổi thường xuyên uống nước ngọt ít nhất 1 lần/ngày.

Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh năm 2013 và 2019 cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh Việt Nam 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) đã tăng nhanh.

Bệnh tật "bủa vây" giới trẻ vì thích uống nước ngọt

ThS.BS Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đồ uống có đường ở dạng lỏng nên được dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách mà cơ thể phản ứng với lượng calo từ thức ăn dạng đặc. Vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng vào một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng.

Đa số đồ uống có đường được thêm vào bởi đường fructose gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và gia tăng tình trạng thừa cân béo phì.

Đồ uống có đường kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no. Ga và các chất phụ gia trong đồ uống có đường khi uống lạnh sẽ làm giảm cảm giác ngọt dẫn tới việc tiêu thụ được nhiều đường hơn trong 1 lần sử dụng.

"Vì thế, việc tăng tiêu thụ đồ uống có đường dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì. Không chỉ gây thừa cân béo phì, đồ uống có đường còn làm gia tăng một loạt các nguy cơ bệnh tật khác", Ths Phương nhấn mạnh.

Vì sao đã đến lúc Việt Nam cần đánh thuế đồ uống có đường? - 2

Cụ thể:

- Làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa

- Gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường túyp 2

Những người uống từ 354 đến 704ml đồ uống có đường/ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường túyp 2 cao hơn 26% và nguy cơ phát triển các bệnh về chuyển hóa cao hơn 20%.

- Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Nam giới uống 354ml đồ uống có đường/ngày có nguy cơ bị mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành cao hơn 20%.

Nữ giới uống 708ml đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành cao hơn 40%.

- Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp

Tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn 1,36 lần.

- Làm gia tăng nguy cơ bị gút, có liên quan đến giảm khả năng sinh sản…

- Là nguyên nhân chính gây ra sâu răng và các bệnh về răng miệng.

Theo WHO, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì. Nó cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.

Trước tình trạng tiêu dùng thiếu kiểm soát và mối nguy hại mà đồ uống có đường mang lại, việc áp thuế đồ uống có đường để giảm tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe người dân là rất cần thiết.

Kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường bằng cách nào?

Vì sao đã đến lúc Việt Nam cần đánh thuế đồ uống có đường? - 3

Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần có các giải pháp để kiểm soát đồ uống có đường.

Cụ thể:

- Chính sách bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường.

- Chính sách kiểm soát quảng cáo các sản phẩm đồ uống có đường đặc biệt là đối với trẻ em.

- Chính sách can thiệp dinh dưỡng trong trường học.

- Đánh thuế đối với đồ uống có đường.

Trong đó chính sách thuế đồ uống có đường được coi là chính sách hiệu quả nhất giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường để phòng chống các bệnh không truyền nhiễm có liên quan.