Vì sao cảm cúm "đáng sợ" hơn Zika?
(Dân trí) - Dù nguy hiểm, gây nguy cơ tật đầu nhỏ ở thế hệ tương lai nhưng vi rút Zika còn dễ bị tiêu diệt hơn vi rút cúm thông thường. Đây là kết luận của John Oxford, chuyên gia ngành vi rút của trường ĐH Y khoa và Nha khoa Queen Mary.
Thế giới đang trong cơn sợ hãi trước những hiểm họa mà vi rút Zika có thể gây ra khi tại Brazil, các nhà chức trách đang nghiên cứu 4.000 trẻ em mắc bệnh đầu nhỏ, được cho là có liên quan tới Zika. Còn tại Châu Âu, Anh đã ghi nhận 4 ca nhiễm bệnh đầu tiên trong khi Pháp, Mỹ công bố các ca lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.
Tuy nhiên, trong bài báo mới đây trên trên trang web y khoa The Hippocratic Post, giáo sư Oxford cho biết: trong khi vi rút Zika hầu như không biến đổi trong suốt 50 năm qua, vi rút cúm lại biến đổi nhanh đến mức các nhà khoa học “luôn luôn đi sau một bước”. Bởi vắc xin phòng Zika sẽ được sản xuất vào cuối năm nay trong khi khả năng chế ngự cảm cúm lại vô cùng yếu ớt.
Dễ đối phó
Zika được cho là nguyên nhân của sự gia tăng đột biến các ca bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại Brazil và được đánh giá là vi rút đáng sợ nhất hiện nay. Nhưng trên thực tế, vi rút này lại dễ đối phó và xóa sổ hơn nhiều so với vi rút cúm, bất chấp những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của con người.
Cứ vào tháng 2 hàng năm, các nhà khoa học trên khắp thế giới lại tề tụ tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới ở Geneva để nhận định 3 loại cúm nguy hiểm nhất trong mùa cúm tiếp theo, dựa trên tình hình bệnh tật ở mùa hè trước đó ở bán cầu Nam. Từ đó, các loại vắc xin sẽ được phát triển và cung cấp vào tháng 10 hoặc tháng 11, trước khi mùa cúm bắt đầu ở bán cầu Bắc. Nhưng đáng buồn là phần lớn các dự đoán khoa học này lại không chính xác.
Vi rút cúm biến đổi, trong khi vi rút Zika hầu như không
Các nhận định thường không chính xác bởi vi rút cúm biến đổi với tốc độ nhanh hơn tốc độ phát triển của khoa học. Trong khi đó, Zika, loại vi rút có liên quan tới những tổn thương não của trẻ sơ sinh ở 23 quốc gia, trong đó có Brazil lại hầu như không biến đổi gì trong suốt 50 năm qua, ngoại trừ việc nó đã vươn tay sang các vùng đất mới. Trước đó, Zika thường chỉ được phát hiện ở Châu Phi.
Vi rút Zika hoành hành ở những khu vực đông dân cư, nơi người dân trữ nước mưa ở gần nhà. Thói quen này tạo điều kiện cho loại muỗi mang mầm bệnh Zika (tên khoa học: Aedes Aegypti) sinh sôi nảy nở bên cạnh con người, hút máu người vào bất cứ lúc nào trong ngày và nhanh chóng truyền máu nhiễm bệnh từ người sang người. Cũng nhờ vậy mà vắc xin Zika dễ được điều chế hơn và có tác dụng trong thời gian dài.
Con đường nghiên cứu vắc xin
Tập đoàn y dược GlaxoSmithKline plc cho hay họ đang tiến hành các nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng công nghệ vắc xin hiện tại để điều chế vắc xin Zika.
Trong khi đó, Gary Kobinger, nhà khoa học người Canada, người đã từng nghiên cứu về vắc xin Ebola và thuộc hiệp hội nghiên cứu vắc xin Zika, tiết lộ rằng giai đoạn thử nghiệm trên người đầu tiên sẽ bắt đầu vào đầu tháng 8, đồng nghĩa với việc vắc xin này có khả năng được sản xuất rộng rãi vào cuối năm 2016. Ông giải thích rằng vắc xin này là bản sao của vi rút Zika, được sử dụng để tăng sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể.
Vắc xin cúm luôn luôn “đi chậm 1 bước”
Các loại vắc xin phòng cúm luôn phải phát triển liên tục, ngay cả trong 1 mùa cúm, bởi vắc xin cũ không thể bảo vệ cơ thể con người trước loại vi rút liên tục đột biến này.
Vào đầu năm 2015, các nhà khoa học phát hiện ra vi rút cúm A H3N2 và 2 loại vi rút khác từng được đánh giá là không nguy hiểm. Tuy nhiên, H3N2 lại biến đổi rất dễ dàng và bùng phát thành đại dịch. Khoảng 20% bệnh nhân đã nhiễm vi rút đột biến, cao hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu là 2%.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn luôn ở trong tình trạng tụt hậu 1 bước so với dịch cúm. Các loại vi rút mới liên tục xuất hiện và sinh sôi nảy nở ở khu vực quanh xích đạo. Đôi khi, 1 phiên bản siêu vi rút như vi rút H1N1 hoặc cúm gia cầm với sức kháng cự mạnh lại xuất hiện, gây ra đại dịch toàn cầu như đại dịch gần đây nhất là vào năm 2009.
Dịch cúm đứng đầu tất cả các dịch bệnh khác
Cứ vài thập kỷ lại có 1 đại dịch cúm lớn xảy ra, như năm 1919, 1957, 1968 và 2009. Thậm chí, các bằng chứng khoa học còn cho thấy các đại dịch này còn xuất hiện thường xuyên hơn trong tương lai.
Bùng phát dân số khiến con người sống gần nhau hơn, khiến vi rút cúm càng có điều kiện lây lan nhanh hơn. Nhất là khi số người ăn thịt và sống quanh gia súc, gia cầm hay các loại động vật mang vi rút cúm khác ngày càng gia tăng.
Vắc xin cúm không ngăn ngừa cơ thể khỏi vi rút đột biến
Tin tốt lành là ngày càng nhiều người có khả năng thoát khỏi dịch bệnh nhờ các tiến bộ y học như Tamiflu hay các loại vắc xin khác.
Nói tóm lại, đại dịch Zika sẽ sớm chỉ còn là những hồi ức đáng sợ khi vắc xin được điều chế thành công, nhưng vi rút cúm thì khác. Đại dịch cúm chắc chắn sẽ còn trở đi trở lại nhiều lần trong tương lai.
Phương Anh
Theo Dailymail