Vì sao Bộ Y tế bất ngờ dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem?
(Dân trí) - Việc Bộ Y tế bất ngờ ra tuyên bố “khẩn” tạm ngừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng khiến người dân bất ngờ trong khi cơ quan này luôn khẳng định vắc xin là an toàn.
Xin ông cho biết vì sao Bộ Y tế ra quyết định tạm ngừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng và sẽ tạm ngừng đến khi nào? Bộ Y tế có đưa ra phương án tìm loại vắc xin thay thế không?
Trong thời gian vừa qua, từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam ghi nhận một số trường hợp xảy ra tai biến tiêm chủng, trong đó 5 trường hợp tử vong. Sau khi chúng tôi nghiên cứu, tiến hành điều tra ở tất cả các hội đồng, từ hội đồng cấp tỉnh đến hội đồng khoa học trung ương, đã đưa ra kết luận: Trong 5 trường hợp tử vong này thì có 4 trường hợp không liên quan gì đến vắc xin Quivaxem (ví như có trường hợp tử vong do nhiễm trùng huyết) và một trường hợp là chưa rõ nguyên nhân.
Tuy vậy, về mặt mặt nguyên tắc chất lượng, chúng tôi vẫn đề nghị thế giới cho tạm dừng và tiến hành các điều tra.
Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các Hội đồng khoa học tiến hành họp, từ Hội đồng xử lý tai biến, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, và đặc biệt là đã trao đổi với Tổ chức y tế thế giới (WHO), UNICEF để bàn tính xem nên sử dụng vắc xin Quinvaxem như thế nào và tại thời điểm này, WHO đã chính thức điều tra.
Vậy đến nay, WHO và UNICEF đã đưa ra khuyến cáo gì trong việc sử dụng vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam chưa?
Chúng tôi đã đề nghị WHO và WHO đã nhận lời, chính thức vào Việt Nam tiến hành điều tra lại tất cả những trường hợp tai biến tiêm chủng liên quan đến vắc xin Quinvaxem. Chính vì vậy mà Bộ Y tế đã quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin này để chờ kết quả điều tra chính thức từ các cơ quan quốc tế, trong đó WHO.
Hiện nay, WHO cũng đã cử các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực vắc xin vào Việt Nam và họ đang tiến hành nghiên cứu. WHO cũng nhận tất cả các lô vắc xin có liên quan đến các ca tai biến để kiểm định lại ở những phòng kiểm nghiệm độc lập quốc tế để đảm bảo rằng kết quả kiểm nghiệm vắc xin Quinvaxem là chính xác nhất. Và hiện chúng tôi đang chờ kết quả đánh giá chất lượng, kiểm định vắc xin của WHO rồi mới có thể đưa các quyết định tiếp theo.
Thưa ông, Bộ Y tế có đưa ra phương án gì để thay thế vắc xin Quinvaxem trong trường hợp WHO đề nghị ngừng sử dụng vắc xin này không?
Như đã nói, chúng tôi phải chờ kết quả đánh giá, kiểm định của WHO rồi mới có thể đưa ra các quyết định tiếp theo. Tuy nhiên, Bộ Y tế hiện cũng đưa ra các phương án có thể sử dụng vắc xin trong nước sản xuất 3 trong 1, hoặc có thể trình với Chính phủ để xây dựng đề án nhập vắc xin vô bào. Tuy nhiên các phương án tiếp theo còn phải phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu của WHO về vắc xin Quinvaxem.
Vắc xin vô bào có giá thành rất cao so với vắc xin toàn tế bào 5 trong 1 Quinvaxem mà Việt Nam đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay. Liệu Việt Nam có thể thể nhập về và đưa vào chương trình TCMR không?
Đây là một bài toán rất khó đối với Việt Nam. Nếu chúng ta nhập vắc xin vô bào, mỗi một năm, chương trình TCMR phải bỏ ra khoảng 700 - 800 tỷ. Vì vậy, chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận gì mà phải đi từng bước theo lộ trình, đợi kết luận của các cơ quan quốc tế về vấn đề này. Có kết quả chúng ta mới khẳng định được rằng phải thay ngay vắc xin hay có phương án khác thay thế.
Tuy nhiên tôi cũng cần khẳng định lại, kể cả vắc xin vô bào hay toàn tế bào thì tác dụng không mong muốn vẫn có thể xảy ra. Thế giới đã chứng minh, không có một vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Vì vậy, chúng ta vẫn phải kiên nhẫn đợi chờ kết luận của các nhà khoa học.
Người dân đang rất hoang mang, lo lắng bởi con em họ đang tiêm vắc xin Quinvaxem, nay phải dừng tiêm, liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, đến tác dụng phòng bệnh của vắc xin? Bộ Y tế đã đưa ra phương án xử lý như thế nào với các trường hợp này?
Chúng tôi chỉ nói là tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem và WHO sẽ tiến hành đánh giá nhanh tất cả những vấn đề liên quan để chúng ta có những quyết định tiếp theo.
Vì thế, người dân không nên quá lo lắng. Cơ quan chuyên môn, cơ quan y tế sẽ làm hết sức mình. Chúng tôi cũng khẳng định rằng, thời gian điều tra có thể diễn ra trong một vài ba tháng, sẽ có một khoảng thời gian bị giãn cách tiêm vắc xin nhưng điều đó không ảnh hưởng đến khả năng sinh miễn dịch cho trẻ khi trẻ phải tạm ngừng tiêm. Về sau này, có thể sẽ có vắc xin khác thay thế, hoặc vẫn có thể sử dụng vắc xin Quinvaxem nếu chúng ta chứng minh được vắc xin đảm bảo chất lượng. Vì thế, nên yên tâm về tiêm chủng.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hải (ghi)