Vì sao 2 bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang sau 8 năm khởi công?

Hồng Hải Nam Phương

(Dân trí) - Được khởi công xây dựng từ cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức được kỳ vọng giúp giảm quá tải. Đến nay, cả hai vẫn trong tình trạng bị bỏ hoang, sân vườn cỏ dại mọc um tùm.

Khánh thành khu khám bệnh xong… đóng cửa

Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ sở 2 của 2 bệnh viện nằm cạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Mục tiêu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mục đích nhằm giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên khi đó đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. 

Vì sao 2 bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang sau 8 năm khởi công? - 1
Vì sao 2 bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang sau 8 năm khởi công? - 2

Lễ cắt băng khánh thành khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 vào cuối năm 2018.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh.

Vì thế, ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng Covid-19. 

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 118.941m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác. Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác.

Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết trước đó, cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai từng được đưa vào sử dụng một phần, cụ thể là khu vực phòng khám. Tất cả các trang thiết bị máy móc đều được mang từ cơ sở 1 xuống.

Ban đầu, phòng khám này thu hút 500 - 600 bệnh nhân đến khám/ngày. Tuy nhiên thời gian sau, do có nhiều bất cập nên số bệnh nhân giảm. Cụ thể, tại đây chỉ có chức năng thăm khám, không điều trị nội trú. Bệnh nhân nặng, cấp cứu phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.

Các ca bệnh khó không đủ máy móc, trang thiết bị chẩn đoán phải chuyển về cơ sở 1. Với khám ngoại trú, bệnh nhân không đi đúng tuyến không được thanh toán bảo hiểm…

"Mấy năm hoạt động tại cơ sở 2, bệnh viện cũng phải bù lỗ", lãnh đạo bệnh viện nói. Hiện nay, toàn bộ số máy móc, trang thiết bị trước đó đưa xuống cơ sở 2 đã được đưa về cơ sở 1.

Vì sao cơ sở 2 của hai bệnh viện vẫn chưa thể đi vào hoạt động?

Vì sao 2 bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang sau 8 năm khởi công? - 3

Một số tòa nhà tại Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã bị xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc, rêu mốc (Ảnh: Quân Đỗ).

Từ năm 2018, cả hai dự án tạm dừng xây dựng. Hiện nay cả 2 bệnh viện đều đang đóng cửa, tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57%.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến 2 dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là thực hiện các hợp đồng xây dựng, nên phát sinh các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.

Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của 2 bệnh viện như thay đổi hệ thống điều hòa, nước nóng, số lượng điều hòa, khu vực nội trú cho y bác sĩ… nên thời gian thực hiện bị vượt quá.

Năm 2019, Bộ Y tế đã xin tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tiến độ dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2020.

Tuy nhiên đến nay, cả hai bệnh viện này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Nhiều hạng mục của vẫn chưa hoàn thành. Phần lớn trang thiết bị y tế chưa được mua sắm, lắp đặt. Đặc biệt nhiều khu vực phụ trợ xuống cấp, một số khu vực tường bị bong tróc phủ rêu, sân, vườn cỏ dại mọc um tùm, trở nên hoang hóa.

Vì sao 2 bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang sau 8 năm khởi công? - 4

Sau một năm đi vào hoạt động khu vực Khám bệnh, hiện Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 vẫn đóng cửa im lìm (Ảnh: Đức Văn).

Thủ tướng: Hai bệnh viện hiện đã chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn

Mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương đầu tư 5 bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối đến nay đã trải qua 3 nhiệm kỳ. Trong 5 bệnh viện, có 3 bệnh viện giao cho địa phương làm chủ đầu tư thì đã hoàn thành, trong khi 2 bệnh viện do Bộ làm chủ đầu tư thì vẫn dang dở. Việc đầu tư hai bệnh viện hiện đã chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn. 

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành xác định rõ những vướng mắc, khó khăn, nhất là sai sót từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kế, thẩm định, ký kết hợp đồng, thi công xây lắp...; đặc biệt xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, vướng mắc này. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam. 

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cam kết sẽ đảm bảo nguồn nhân lực tốt nhất, mô hình hoạt động đa khoa như cơ sở 1 khi Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam đi vào hoạt động. Đây sẽ là điểm điều trị tuyến cuối hiệu quả, giúp giảm tải cơ sở 1, giúp người bệnh được tiếp cận điều trị sớm

"Lúc này, cơ sở 2 như một "cánh tay nối dài" cho cơ sở 1, vừa góp phần giảm tải, vừa đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh", ông Cơ nói.

Theo đó, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã và đang có kế hoạch tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, thực tập và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai để sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho cơ sở 2.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa, vì thế, cơ sở 2 đi vào hoạt động cũng cần thực hiện đúng mô hình đa khoa, đảm bảo đầy đủ các chuyên khoa như cơ sở 1 để sẵn sàng hỗ trợ, điều trị cho người bệnh.

"Ngoài việc cung ứng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng, các nhân lực là trưởng khoa, tiến sĩ… sẽ thực hiện điều chuyển luân phiên để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất, đồng đều ở cả 2 cơ sở", ông Cơ nói.

Theo tính toán, khi cơ sở 2 đi vào hoạt động, với quy mô 1.000 giường bệnh, bệnh viện cần 1.200- 1.500 cán bộ bao gồm cả khối chuyên môn và khối hậu cần.

Thời điểm năm 2014, vấn đề giảm quá tải của các bệnh viện tuyến trên trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Khi đó cảnh bệnh nhân nằm ghép 3-4 người một giường, thậm chí nằm dưới gầm giường khiến nhiều người không khỏi cảm thán. Cũng vì thế, tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TPHCM", trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức. Tháng 12/2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 bệnh viện tuyến trung ương này. Thời gian thực hiện cả hai bệnh viện là từ năm 2014 đến năm 2017. Dự án do Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế làm chủ đầu tư. 
Cả 2 bệnh viện đều có hình thức thực hiện đấu thầu hợp đồng hỗn hợp thiết kế - xây lắp.