Vi khuẩn lây qua đường tình dục làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

Tú Anh

(Dân trí) - Ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ, nhất là độ tuổi ngoài 30, 40. Hầu như tất cả các trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung đều bắt đầu từ chứng nhiễm loại vi khuẩn HPV.

Ung thư cổ tử cung xuất phát từ trong các tế bào của cổ tử cung. Thường thì các tế bào tăng trưởng và phân chia để tạo thành những tế bào mới theo nhu cầu của cơ thể. Khi các tế bào già đi thì sẽ dần được thay thế bằng các tế bào mới mà đôi khi cơ thể không cần.  Ung thư cổ tử cung thường tiến triển chậm trong thời gian dài. Trước khi ung thư xảy đến, cổ tử cung có một ít thay đổi, qua đó các tế bào bất bình thường bắt đầu xuất hiện. Sau lúc ấy, các tế bào bất bình thường có thể trở thành tế bào ung thư và lan rộng.

Vi khuẩn lây qua đường tình dục làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung - 1

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, hầu như tất cả các trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung đều bắt đầu từ chứng nhiễm một loại siêu vi khuẩn tên là human papillomavirus -  gọi tắt là HPV.

Vi khuẩn HPV lây truyền qua đường sinh dục, phụ nữ và nam giới đều có thể bị lây.

Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV là có nguy cơ ung thư. Các chủng HPV gây ung thư thường là HPV type 16 và HPV type 18 (HPV-16, HPV-18).

Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ mắc loại ung thư này, như:

Hút thuốc: Thuốc lá chứa nhiều hóa chất có thể gây hại cho cơ thể. Phụ nữ hút thuốc sẽ dễ bị ung thư cổ tử cung gấp hai lần so với người không hút thuốc. 

Ức chế miễn dịch: Thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), virus gây ra bệnh AIDS, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung. 

Nhiễm chlamydia: Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung sẽ tăng cao nếu bạn đã hoặc nhiễm chlamydia. 

Ăn ít trái cây và rau quả: Phụ nữ ăn không đủ các loại trái cây và rau quả sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung. 

Thừa cân: Phụ nữ thừa cân có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung. 

Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài: Các nhà nghiên cứu đưa ra bằng chứng về việc uống thuốc ngừa thai trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. 

Mang thai nhiều: Những phụ nữ mang thai 3 lần hoặc nhiều hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. 

Mang thai lần đầu khi dưới 17 tuổi: Phụ nữ dưới 17 tuổi mang thai lần đầu sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 2 lần so với người bình thường. 

Hoàn cảnh sống khó khăn: Phụ nữ nghèo đói sẽ không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ, bao gồm cả xét nghiệm Pap. 

Bệnh sử gia đình: Người thân trong gia đình bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư vú. 

Di truyền: Nếu mẹ hoặc chị em bị ung thư cổ tử cung, nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ tăng lên 2-3 lần cao hơn so với người bình thường. 

Bất cứ phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Điều đáng mừng, loại ung thư này hoàn toàn có thể phát hiện sớm qua sàng lọc chủ động, tiên lượng điều trị rất tốt nếu phát hiện sớm.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo chị em cần quan tâm tầm soát định kỳ. Theo đó, phụ nữ nên đi xét nghiệm Pap ít nhất 3 năm một lần kể từ năm 21 tuổi. Nếu bạn sinh hoạt tình dục trước năm 21 tuổi, bạn nên đi xét nghiệm ung thư cổ tử cung khoảng 3 năm sau lần sinh hoạt đầu tiên.

Đây là phương pháp xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền nhưng lại cho phép phát hiện những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung. Những biến đổi này có thể đưa đến ung thư nếu không chữa trị.