Tiên lượng điều trị ung thư cổ tử cung
(Dân trí) - Ung thư cổ tử cung gặp phổ biến ở chị em, nhưng đây là loại ung thư có thể tầm soát phát hiện sớm, hiệu quả điều trị cao khi mới mắc bệnh.
Ung thư cổ tử cung gặp phổ biến ở chị em phụ nữ. Tuy nhiên, đây là loại ung thư có tiên lượng điều trị tốt, có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Nếu được điều trị, tỷ lệ sống sót ung thư cổ tử cung 5 năm là 92% cho các giai đoạn sớm nhất; từ 80-90% cho ung thư giai đoạn một và 50-65% cho giai đoạn 2.
Ở giai đoạn 3, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ có 25-35% và ít hơn 15% với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4.
Do đó, việc tầm soát định kỳ, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất quan trọng.
Ung thư cổ tử cung được chia thành các giai đoạn sau:
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 0 (tiền ung thư cổ tử cung)
Đây là giai đoạn sớm nhất, thường không có triệu chứng gì rõ rệt. Giai đoạn chớm nở này còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Dấu hiệu của tiền ung thư cổ tử cung là các tế bào bất thường mới xuất hiện trong lớp lót bề mặt của cổ tử cung, chưa ăn sâu xuống mô chính và chưa lan ra các bộ phận khác trong cơ thể.
Đây cũng là giai đoạn điều trị khỏi cao nhất, tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 92%, người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn I
Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã xâm lấn mô chính của cổ tử cung, người bệnh có thể sẽ bị cắt một phần hay toàn bộ tử cung, hoặc xạ trị.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn II-III
Khối ung thư bắt đầu lan đến âm đạo, các mô xung quanh cổ tử cung và vùng chậu. Giai đoạn này thường không bảo tồn được chức năng sinh sản.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn IV
Khối u lan ra ngoài vùng chậu, xâm lấn đến các bộ phận gần đó như bàng quang, trực tràng hoặc di căn đến các cơ quan như phổi, gan, xương… Lúc này, chủ yếu kéo dài thời gian sống và giảm triệu chứng.
Do vậy, phụ nữ nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên để có thể phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời.
Bên cạnh đó, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, nữ giới nên sử dụng các biện pháp tự bảo vệ khi quan hệ tình dục, luôn giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ vào các thời điểm nhạy cảm, chẳng hạn như trong kỳ hành kinh, sau kỳ kinh, sau khi vận động thể lực, sau khi quan hệ tình dục, xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý…