Vi khuẩn gây ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu: Cảnh giác nhiều món ăn quen thuộc
(Dân trí) - Thói quen ăn sống, tái, hoặc tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh vô tình khiến nhiều món ăn quen thuộc của người Việt trở thành "ổ bệnh" tiềm ẩn.
Ngày 30/11, liên quan vụ ngộ độc tập thể nghi do ăn bánh mì ở TP Vũng Tàu, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo kết quả xét nghiệm các thực phẩm đầu vào tại tiệm bánh mì, xôi "Cô Ba Bến Đình" (ở số 6 đường Nguyễn An Ninh, phường 7, TP Vũng Tàu).
Theo đó, các mẫu thực phẩm gồm thịt heo luộc, pate heo, chả lụa, nước sốt thịt heo và rau sống ăn kèm phát hiện có nhiễm vi khuẩn Salmonella. Cơ quan chức năng đã kết luận các mẫu thực phẩm nói trên không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vi khuẩn Salmonella có khả năng gây bệnh ở cả người và động vật và thường gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm.
Vi khuẩn Salmonella thường sống trong ruột động vật và con người, thải ra ngoài qua phân. Con người bị nhiễm bệnh nhiều nhất thông qua nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm.
"Thói quen tiêu thụ thực phẩm sống, tái, hoặc bảo quản không đúng cách vô tình biến những món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt trở thành nguồn lây nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Salmonella có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát, đặc biệt ở nhóm người có sức đề kháng yếu", BS Thiệu cho hay.
Theo chuyên gia này, một số món ăn quen thuộc của người Việt có nguy cơ cao nhiễm Salmonella.
Món ăn từ thịt sống và tái
Thịt gia cầm như gà, lợn hoặc bò là những nguồn thực phẩm dễ nhiễm khuẩn Salmonella nếu không được chế biến đúng cách. Các món ăn phổ biến như: tiết canh, gỏi, thịt tái được làm từ nguyên liệu nhiễm khuẩn có thể khiến thực khách đưa vi khuẩn vào người.
"Salmonella tồn tại chủ yếu trong ruột động vật và có thể nhiễm sang thịt nếu quá trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh. Khi tiêu thụ thịt chưa chín, vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây bệnh", BS Thiệu cảnh báo.
Trứng chưa nấu chín
Các món ăn như trứng sống, trứng chần, trứng ốp la chưa chín kỹ là món khoái khẩu của nhiều người, nhưng cũng là nguồn lây Salmonella phổ biến. Theo BS Thiệu, vi khuẩn có thể tồn tại trong lòng đỏ trứng sống hoặc trên vỏ trứng bị nhiễm khuẩn.
"Nhiều người nghĩ trứng sống bổ dưỡng, nhưng nếu trứng không được xử lý kỹ hoặc ăn không chín, nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella là rất cao", BS Thiệu nhấn mạnh.
Rau sống
Rau sống trong các món bún, phở hay nem cuốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ do nhiễm khuẩn từ phân bón hoặc nước tưới không sạch.
Đặc biệt, rau mầm - món ăn được yêu thích trong chế độ ăn lành mạnh - cũng là môi trường lý tưởng cho Salmonella phát triển do điều kiện ẩm ướt trong quá trình ươm mầm.
Gỏi cá
Theo BS Thiệu, cá, hàu sống và các loại hải sản tái là những món ăn giàu dinh dưỡng nhưng cũng dễ bị nhiễm Salmonella nếu nguồn nước nuôi trồng bị ô nhiễm. Các món như sushi, sashimi hoặc gỏi cá nếu không đảm bảo vệ sinh rất dễ trở thành "nguồn cơn" của các vụ ngộ độc thực phẩm.
Dấu hiệu cảnh báo nhiễm khuẩn Salmonella
Theo BS Thiệu, nhiễm khuẩn Salmonella thường gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa như:
- Đau bụng dữ dội, tiêu chảy.
- Sốt cao, lạnh run.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Mất nước với các biểu hiện như khô môi, chóng mặt.
"Nếu không được điều trị, Salmonella có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người già, và phụ nữ mang thai", BS Thiệu cho biết.
Làm thế nào để phòng ngừa?
Để giảm nguy cơ nhiễm Salmonella từ thực phẩm, BS Thiệu đưa ra một số khuyến nghị:
- Chế biến thực phẩm đúng cách: Thịt, trứng và hải sản cần được nấu chín kỹ ở nhiệt độ trên 70⁰C để tiêu diệt vi khuẩn. Tránh ăn thịt tái, trứng sống hoặc hải sản sống.
- Hạn chế ăn rau sống, nếu ăn phải rửa thật sạch: Rửa rau dưới vòi nước chảy và ngâm với nước muối hoặc dung dịch khử khuẩn trước khi sử dụng.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách: Thực phẩm cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 5⁰C để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Tránh để chung thực phẩm sống và chín để ngăn lây nhiễm chéo.
- Vệ sinh tay và dụng cụ nhà bếp: Rửa tay sạch trước và sau khi xử lý thực phẩm. Dao, thớt và các dụng cụ chế biến cần được vệ sinh kỹ sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống.