Vẫn còn nội dung chưa rõ sau 2 văn bản Chính phủ gỡ khó cho ngành y tế?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM cho biết, hai văn bản mà Chính phủ ban hành đã giải quyết cơ bản 4 kiến nghị cơ quan này gửi Bộ Y tế về tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế. Tuy nhiên, vẫn còn nội dung chưa rõ.

Ngày 8/3, Sở Y tế TPHCM cho biết, trong các ngày 3/3 và ngày 4/3, Chính phủ đã ban hành hai văn bản, bao gồm Nghị định số 07/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Hai văn bản này đã giải quyết cơ bản 4 kiến nghị của Sở Y tế TPHCM gửi Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 24/2 về việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 144 của Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị.

Cụ thể theo Sở Y tế TPHCM, chỉ đạo của Chính phủ đã tháo gỡ được điểm nghẽn trong mua sắm trang thiết bị của cơ sở y tế công lập, từ 4 kiến nghị của cơ quan này trước đó.

Thứ nhất là kiến nghị tiếp tục cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn cụ thể về hình thức tổ chức phù hợp, nhằm đảm bảo liên tục hoạt động khám chữa bệnh.

Vẫn còn nội dung chưa rõ sau 2 văn bản Chính phủ gỡ khó cho ngành y tế? - 1

Bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải chụp CT ở khoa Xạ trị vì nhiều máy ở khu vực cấp cứu đã hỏng (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ hai, xem xét, chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, để đảm bảo trang thiết bị cho cơ sở y tế. 

Hai kiến nghị này được giải quyết tại mục 1, 2 của Nghị quyết 30.

Thứ ba, kiến nghị bổ sung quy định về căn cứ xác định giá gói thầu với các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành) với trang thiết bị đặc thù, riêng biệt. Kiến nghị này đã được mục 3 của Nghị quyết 30 giải quyết, bằng việc cho phép áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.

Theo đó, giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị, trong trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau.

Trên cơ sở trên, đơn vị được xác định giá gói thầu, căn cứ vào các báo giá nhận được sau khi thông báo mời chào giá theo quy định trong thời gian tối thiểu 10 ngày. Tuy nhiên, Nghị quyết vẫn chưa nêu rõ nội dung xác định giá gói thầu dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành) của trang thiết bị, nên Sở Y tế TPHCM đang chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vẫn còn nội dung chưa rõ sau 2 văn bản Chính phủ gỡ khó cho ngành y tế? - 2

Máy xạ trị gia tốc của Bệnh viện Chợ Rẫy hỏng từ quý 2 năm 2022 nhưng đến nay vẫn không thể sửa chữa vì vướng quy định đấu thầu (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ tư, kiến nghị Bộ Y tế sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị đã được Nghị định 07 giải quyết tại Khoản 18, điều 1: cho phép gia hạn giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận lưu hành trang thiết bị có hiệu lực đến 31/12/2024.

Sở Y tế TPHCM chia sẻ, với sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt của Chính phủ, bộ ngành và lãnh đạo TPHCM trong việc tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, trong chiều ngày 6/3, Sở này đã tổ chức hội nghị triển khai đến tất cả các bệnh viện.

Quá trình thực hiện, Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn, họp trực tuyến hàng tuần để các bệnh viện báo cáo tình hình mua sắm trang thiết bị y tế theo tinh thần Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Sau một tháng, ngành y tế địa phương sẽ đánh giá lại và tiếp tục kiến nghị nếu có vướng mắc phát sinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm