1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vắc xin ngừa thủy đậu: Vì sao nơi có, nơi không?

(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh cơ quan chức năng công bố vắc xin thủy đậu đã được đưa vào thị trường nhưng hiện tượng không có vắc xin thủy đậu đang khá phổ biến.

 
Điểm tiêm chủng 131 Lò Đúc chiều ngày 16/5
Điểm tiêm chủng 131 Lò Đúc chiều ngày 16/5

 

Chiều ngày (16/5), PV Dân trí đã đi khảo sát thực tế tại một số điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội để tìm hiểu thực tế mức độ khan hiếm loại vắc xin ngừa thủy đậu.

 

Có mặt tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (số 70 Nguyễn Chí Thanh) lúc 15h20, loại vắc xin này vẫn còn. Bà Đặng Thị Kim Hạnh, Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm (TTYT Dự phòng Hà Nội) cho biết: Do nhu cầu tăng cao nên trong ngày hôm qua, Trung tâm mới nhập bổ sung.

 

Tương tự tại các điểm tiêm như ở số 23 Nguyễn Viết Xuân (Hà Đông) và 50C Hàng Bài (Hoàn Kiếm), Phòng tiêm chủng SAFPO (ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm) đều còn vắc xin thủy đậu trong đó nhân viên y tế tại điểm tiêm Hàng Bài cho biết, số lượng ít nên nhiều khả năng sẽ hết nhanh.
 

Tuy nhiên tại điểm tiêm chủng của Trung tâm dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế Dự phòng thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (số 131, Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), vắc xin ngừa thủy đậu đã hết từ lâu. Nhân viên ở y tế ở đây cho biết, khoảng 1 tháng nữa mới có vắc xin thủy đậu.

 

Theo quan sát của phóng viên, số lượng gia đình cho trẻ đi tiêm tại điểm tiêm này chiều nay rất đông. Trao đổi với PV Dân trí, chị Nguyễn Thị Nga (ở Tây Hồ,  Hà Nội) cho biết: “Con nhà em được 21 tháng tuổi, mấy hôm trước em có qua điểm tiêm ở 70 Nguyễn Chí Thanh nhưng không có vắc xin thủy đậu, nay em lên đây hỏi cũng không có. Họ nói hết từ lâu rồi và bảo khoảng 1 tháng nữa mới có”.

 

Vẻ mặt mệt mỏi, chị Hoàng Thị Huyền (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Con em được 15 tháng và đang cần tiêm vắc xin thủy đậu, nhưng em hỏi ở đây thì người ta bảo hết rồi, cách đây 1 tuần em có cho con em đến điểm tiêm 23 Nguyễn Viết Xuân (Hà Đông) nhưng ở đó nói hết rồi”.
 
Điểm tiêm chủng 131 Lò Đúc chiều ngày 16/5


 Để tìm hiểu sâu về vấn đề này, chiều nay (16/5) PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm Số 1 - Bộ Y tế (ảnh trên), một trong số 3 nhà cung cấp vắc xin thủy đậu của Hàn Quốc, Bỉ ở Việt Nam.

 

Ông Đạt cho biết: Từ tháng 5/2014, công ty đã cung cấp ra thị trường lô vắc xin 77.000 liều (được nhập hồi tháng 2/2014), phân phối đều cho cả 2 miền Nam - Bắc. Đó là loại vắc xin do Hàn Quốc sản xuất.

 

Giải thích với phóng viên sở dĩ có sự khan hiếm vắc xin thủy đậu tại một số điểm tiêm trên địa bàn Hà Nội, ông Đạt phân tích: “Thói quen của dân ta là thường có dịch mới đi tiêm, nên nhu cầu tăng đột biến dẫn đến chuyện hết vắc xin là có. Hơn nữa vắc xin thủy đậu là vắc xin tiêm dịch vụ nên các nhà cung cấp khi nhập về cũng cần tính toán kỹ nhu cầu của thị trường, nhiều khi lại “sốt” ảo”.

 

Cũng theo ông Đạt, bệnh thủy đậu đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, do đó nhu cầu về loại vắc xin này hiện nay rất cao mà ở Việt Nam mình chưa sản xuất được. Dự tính đến tháng 6/2014, công ty sẽ nhập thêm 10.000 liều nữa, nhưng khi liên hệ với bên Hàn Quốc họ nói rất khó khăn. Vì thị trường Việt Nam không phải là thị trường lớn của họ, nhưng Công ty sẽ cố gắng.

 

Về hiện tượng vắc xin thủy đậu khan hiếm ở nhiều điểm tiêm chủng, ông Đặng Tuấn Đạt cho biết: “Như tôi đã nói, vắc xin thủy đậu là vắc xin tiêm dịch vụ, nên các điểm tiêm dịch vụ họ nhập hàng của nhà cung cấp nào là quyền của họ. Có nơi họ quen nhập vắc xin của Bỉ, nhưng năm vừa, rồi nhà sản xuất vắc xin thủy đậu của Bỉ đưa vắc xin thủy đậu vào thành phần vắc xin 4 trong 1 cung cấp ra thị trường thế giới, song khi cung cấp họ lại thấy nhu cầu vắc xin riêng rẽ nhiều hơn nên muốn quay lại dây chuyền cũ và như vậy phải mất 6 tháng và hi vọng cuối năm nay mới có thể cung cấp trở lại vắc xin thủy đậu đơn được. Nhiều nơi họ vẫn chờ, nên mới dẫn đến hiện tượng không có là như vậy…”.

 

Theo ông Đạt, về lâu dài để khắc phục tình trạng này, nhìn từ góc độ cơ quan chức năng, mà trước hết là ngành Y tế cần kết hợp với cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu ở độ tuổi nào cần tiêm vắc xin gì, đi du lịch hay đi làm ở vùng dịch cần tiêm vắc xin gì. Từ đó họ sẽ đăng ký với các điểm tiêm, sau đó mới lên kế hoạch cụ thể cho nhà cung cấp. Làm như vậy sẽ không bị động như hiện nay.

 

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm