Vắc xin Covid-19 sẽ được phân phối và sử dụng như thế nào tại Việt Nam?
(Dân trí) - Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc phòng Covid-19 như việc lập danh sách đối tượng tiêm, nơi tiêm, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng…
Hướng dẫn này là căn cứ để các đơn vị địa phương triển khai thực hiện (sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vắc xin).
Hướng dẫn này bao gồm các nội dung về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối; lập danh sách các đối tượng được tiêm; tập huấn cán bộ y tế; tổ chức buổi tiêm như thế nào; giám sát, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng; đánh giá nguyên nhân sau tai biến; quy trình chẩn đoán và xử trí phản vệ…
Chẳng hạn, nơi tiêm gồm các bệnh viện trung ương, tỉnh/TP, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện; trạm y tế xã; bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế... thuộc các Bộ, ngành; cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở khác được Sở Y tế huy động để tiêm cho các đối tượng theo kế hoạch của địa phương.
Cụ thể, với Bệnh viện trung ương, tỉnh/TP, Bệnh viện và Trung tâm Y tế cấp huyện thực hiện tiêm cho các đối tượng là các cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương nhưng phải đảm bảo đúng đối tượng theo quy định.
Đồng thời, tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất 1 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 xã theo sự phân công của địa phương.
Trong thời gian triển khai tiêm chủng Covid-19, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố phải dự phòng một cơ số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (để trống tối thiểu 5 giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Trạm Y tế cấp xã tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin tại trạm và điểm tiêm lưu động, bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.
Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế. Bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng chủ trì, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố xây dựng Hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Trong đó gồm giám sát chủ động và giám sát thường quy.
Khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
CDC các tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách đơn vị tiêm chủng, số lượng đối tượng tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố và thông báo cho Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng vắc xin.
Cũng theo hướng dẫn này, hình thức tiêm chủng sẽ được tổ chức theo chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng có sẵn, trường hợp cần thiết, các sở y tế huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng tham gia.