"Vá" lỗ hổng sâu vùng ngực do loét sau 20 năm điều trị ung thư vú

Tú Anh

(Dân trí) - Từ đầu năm 2021, vị trí sẹo mổ và xạ trị cũ vùng ngực của bệnh nhân bị loét, nhiễm khuẩn, chảy mủ... tạo thành một vết loét sâu vùng ngực.

Ngày 13/10, Bệnh viện K cho biết mới đây thực hiện thành công ca "vá" lỗ hổng lớn vùng ngực ở bệnh nhân ung thư vú. Đặc biệt, vật liệu để "vá" lỗ hổng này là dùng chính vạt cơ lưng rộng của bệnh nhân để che phủ lỗ hổng này.

Bệnh nhân là trường hợp đặc biệt do phát hiện loét thành ngực trái, tiêu xương sườn sau 20 năm điều trị, với biến chứng nhiễm khuẩn dai dẳng.

Vá lỗ hổng sâu vùng ngực do loét sau 20 năm điều trị ung thư vú - 1

Vết loét vùng ngực bệnh nhân chảy mủ, tạo ổ sâu.

Đây là trường hợp bệnh nhân D.T.C (76 tuổi ở Chí Linh, Hải Dương). Bệnh nhân đã được điều trị ung thư vú 20 năm nay.

Trước đó, năm 2001, sau khi thấy khối u bất thường xuất hiện ở vú trái, bà C. đến Bệnh viện K để khám, bà được chẩn đoán ung thư vú. Bà C. đã được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú trái kèm vét hạch nách trái, xạ trị thành ngực bổ trợ sau mổ. Sau điều trị, bà C. khỏi bệnh trở về sinh hoạt thường ngày, sống khỏe mạnh trong gần 20 năm.

Đến tháng 8/2020, bà C. phát hiện thành ngực bên trái vị trí sẹo mổ và xạ trị cũ xuất hiện tổn thương loét da đường kính khoảng 1cm, bệnh nhân tự thay băng và chăm sóc tại nhà nhưng vết loét không liền mà còn tăng dần về kích thước.

Sau 4 tháng tự điều trị, tháng 1/2021, thấy vùng sẹo loét trầm trọng hơn, có dấu hiệu nhiễm khuẩn, chảy dịch mủ vàng xanh, mùi hôi, bà C. đi khám và được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Tại đây, kết quả cấy mủ vết loét cho thấy bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococus Aureus). Sau 3 tuần nằm viện và sử dụng kháng sinh mạnh, vết thương sạch mủ và hết vi khuẩn, bệnh nhân được xuất viện, dặn dò chăm sóc vết loét tại nhà và hi vọng tổn thương sẽ liền dần.

Tuy nhiên, cuối tháng 4/2021, khi đi tái khám ung thư vú tại Bệnh viện K, bác sĩ khám thấy vết loét của bệnh nhân không có dấu hiệu liền da thậm chí càng ngày càng lan rộng, loét sâu thâm nhiễm đến cơ thành ngực.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm đánh giá sơ bộ, các bác sĩ khoa Ngoại Vú chẩn đoán bệnh nhân bị loét thành ngực trái sau tia xạ.

Tuy nhiên đúng thời điểm diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, đến cuối tháng 8/2021 bà C. mới có thể quay lại khoa Ngoại vú, Bệnh viện K để tiếp tục điều trị.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân thể trạng gầy yếu, chỉ nặng 39kg, sinh hoạt hằng ngày hạn chế cần có người chăm sóc, vết loét tăng kích thước đường kính khoảng 2x3cm, thâm nhiễm cơ thành ngực và xương sườn trái, chảy dịch mủ vàng mùi hôi, kèm theo đó là tổn thương viêm tấy mô tế bào xung quanh khoảng 10x15cm.

"Kết quả xét nghiệm cho thấy vết loét có nhiễm trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tổn thương vôi hóa và gãy xương sườn 4-5 bên trái, giảm chức năng hô hấp", BS điều trị cho biết.

TS.BS Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại vú cho biết, trước thể trạng người bệnh yếu, các bác sĩ đã hội chẩn,  trước mắt sẽ chăm sóc nâng cao thể trạng, tập thổi bóng để cải thiện chức năng hô hấp, điều trị tình trạng nhiễm khuẩn theo kháng sinh đồ. Ngay sau khi hết nhiễm khuẩn, thể trạng đảm bảo, sẽ tiến hành phẫu thuật cắt lọc rộng tổn thương loét thành ngực.

Theo đó, các bác sĩ sẽ thực hiện cắt xương sườn hoại tử, chuyển vạt da cơ lưng rộng (Latissimus dorsi flap). "Đây là một ca phẫu thuật tạo hình lớn, kĩ thuật phức tạp đặc biệt trên một bệnh nhân nữ, lớn tuổi, thể trạng già yếu, có tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sau điều trị ung thư vú 20 năm", TS Quang nói.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân được thực hiện vào tháng 9/2021. Ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc rộng tổn thương loét hoại tử thành ngực đường kính 10cm, cắt xương sườn 4-5 trái; chuyển vạt da cơ lưng rộng che phủ khuyết hổng thành ngực có nội soi hỗ trợ. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong thời gian 3,5 tiếng. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt, vết mổ ổn định, được xuất viện 7 ngày sau phẫu thuật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm