Ung thư vú “tấn công” phụ nữ trẻ
(Dân trí) - Ung thư vú là bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 55 tuổi, tuy nhiên những năm gần đây số ca bệnh dưới 24 tuổi được phát hiện tại bệnh viện ung bướu ngày càng nhiều. Phụ nữ trẻ mắc ung thư vú, cơ hội sống sẽ thấp hơn nhiều so với người lớn tuổi.
Tại Hội thảo Đào tạo nâng cao cho bác sĩ tuyến Trung ương, cập nhật điều trị ung thư vú diễn ra ở TPHCM (ngày 19/7), BS Nguyễn Xuân Dũng, Phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu cho biết: Mỗi năm trên toàn thế giới phát hiện khoảng 1,6 triệu ca mới mắc ung thư vú, trong đó có hơn 500 nghìn ca tử vong.
Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 11 nghìn ca mới mắc, với hơn 4 nghìn ca tử vong chiếm 20% trong tổng số các loại bệnh ung thư. Ung thư vú đối với nữ giới hiện đang đứng ở hàng thứ nhất về suất độ và đứng hàng thứ 3 về tử vong. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm (giai đoạn 1) khả năng điều trị khỏi có thể đạt tới 80 đến 90%. Nếu phát hiện trễ, tỷ lệ điều trị khỏi là rất thấp (dưới 20%).
Bệnh ung thư đang để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội
BS Dũng cho biết thêm, trong 15 năm trở lại đây số ca mắc ung thư vú liên tục tăng nhanh, vượt qua ung thư cổ tử cung để chiếm hàng thứ nhất trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ. Thống kê tại bệnh viện Ung Bướu cho thấy, 10 năm trước mỗi tháng bệnh viện chỉ có khoảng 100 trường hợp đến điều trị ung thư vú nhưng hiện nay mỗi tháng số ca mắc mới ung thư vú đến khám và điều trị đã lên tới gần 300 trường hợp.
Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ có độ tuổi trên 55, tuy nhiên bệnh đang xu hướng trẻ hóa là thực tế đáng lo ngại. BS Trần Nguyên Hà, Trưởng khoa Nội IV, bệnh viện Ung Bướu cho biết: “Ghi nhận ban đầu tại bệnh viện cho thấy, số ca ung thư vú gặp phải ở người trẻ tuổi đang gia tăng. Nếu năm 2010 chỉ phát hiện 1 trường hợp bị ung thư vú ở tuổi 24 thì đến năm 2012, bệnh viện phát hiện 1 trường hợp mắc bệnh dưới 19 tuổi và 13 trường hợp khác bị ung thư vú ở tuổi từ 20 đến 24. Đây là một diễn tiến đặc biệt nguy hiểm của căn bệnh này”.
Dẫn nguồn từ Viện nghiên cứu Ung thư Hòa Kỳ, BS Nguyên Hà cho biết: “Tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi thấp hơn so với bệnh nhân ung thư vú lớn tuổi ở bất kỳ giai đoạn nào. Tỷ lệ sống còn 5 năm là 58% ở tuổi 20 đến 24, bệnh nhân trên 40 tuổi tỷ lệ là 76%; ở giai đoạn di căn, tỷ lệ sống còn của phụ nữ trẻ gần như bằng 0% trong khi phụ nữ trên 40 tuổi là 27%.
Với những khó khăn chung của nền kinh tế đang phát triển, phần lớn phụ nữ bị ung thư vú sẽ gặp nhiều khó khăn về điều kiện y tế, kinh tế xã hội nên chưa có được những biện pháp hỗ trợ điều trị phù hợp. Dự báo, gánh nặng ung thư vú sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Theo phân tích của PGS Paul Mainwaring, Giám đốc nghiên cứu ngành ung thư Mater Health Services – Brisbane (Úc): “Xã hội công nghiệp đang phát triển tại Việt Nam khiến con người ít vận động hơn, bên cạnh những thay đổi về lối sống chế độ ăn cũng thay đổi theo hướng ăn nhiều thịt, ít rau củ quả… Thức ăn nhanh theo kiểu của phương Tây đang được người Việt lựa chọn khiến gia tăng nguy cơ của nhiều loại bệnh trong đó có ung thư vú. Bệnh từ miệng mà vào, phụ nữ Việt Nam cần tập cho mình thói quen vận động, ăn uống hợp lý sẽ tốt hơn nhiều so với học cách tự khám vú hay phải tiến tới điều trị”.
Vân Sơn