Ung thư phổi có lây không?

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi thấy người bị ung thư phổi liên tục ho, ho dữ dội, nhiều người lo sợ có thể bị lây bệnh thông qua hô hấp hoặc sinh hoạt hàng ngày.

Ung thư phổi có lây không?

Theo Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang, ung thư phổi là bệnh xuất hiện khi có những tế bào bất thường phát triển tại phổi. Các tế bào này có thể bắt đầu ở một, hoặc cả 2 bên của phổi. Chúng không phát triển thành mô tế bào khỏe mạnh như bình thường.

ung_thu

Khi thấy người bị ung thư phổi liên tục ho, ho dữ dội, nhiều người lo sợ có thể bị lây bệnh thông qua hô hấp hoặc sinh hoạt hàng ngày (Ảnh: Abobestock).

Ngược lại, chúng phân chia nhanh chóng, tạo nên những khối u tại phổi. Các khối u gây suy giảm dần chức năng của phổi với cơ thể.

Ung thư phổi có lây không là thắc mắc của rất nhiều người, đặc biệt là khi trong gia đình có người bị ung thư phổi. Khi thấy người bị ung thư phổi liên tục ho, ho dữ dội, nhiều người lo sợ có thể bị lây bệnh thông qua hô hấp hoặc sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng là bệnh do tế bào đột biến, không phải do virus, vi khuẩn gây ra nên bệnh không có khả năng lây nhiễm.

Như vậy, bệnh ung thư phổi không lây từ người này sang người khác. Người bị mắc ung thư phổi không phải là nguồn lây nhiễm, không có khả năng truyền bệnh ra môi trường xung quanh. Nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là do hút nhiều thuốc lá, sống trong môi trường ô nhiễm độc hại. Tất cả các thông tin ung thư phổi có thể bị lây đều không có căn cứ.

Làm sao để có thể sớm phát hiện bệnh ung thư phổi?

Ung thư phổi là một căn bệnh khó phát hiện sớm, bởi những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh về phổi thông thường. Không chỉ vậy, ở giai đoạn đầu của bệnh, ung thư phổi thường không có biểu hiện cụ thể gì.

Chỉ đến khi khối u phát triển mạnh và bắt đầu di căn mới có biểu hiện rõ rệt. Người bệnh lúc này sẽ bị ho dai dẳng, ho nặng kéo dài kèm theo ra máu. Khó thở, thở gấp, đau thắt ngực, giọng nói khàn,… cùng với đó là cảm giác mệt mỏi, sút cân bất thường mà không rõ nguyên nhân.

Để có thể chủ động phát hiện sớm và phòng tránh ung thư phổi, bạn có thể thực hiện những cách sau:

- Không hút thuốc lá, tránh xa những nơi thường xuyên có khói thuốc lá.

- Hạn chế việc đưa các chất kích thích (rượu, bia) vào cơ thể.

- Chủ động rèn lối sống lành mạnh cho bản thân bằng cách rèn luyện thể lực, tập các bài tập thở để nâng cao thể trạng.

- Tránh xa môi trường nhiều không khí ô nhiễm. Sử dụng khẩu trang khi phải làm việc hoặc di chuyển tại những khu vực có nhiều khói bụi.

- Nếu có những biểu hiện bất thường ở hô hấp, diễn ra liên tục trong thời gian dài, cần chủ động đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.

- Tiến hành tầm soát sớm ung thư phổi định kỳ bằng cách làm xét nghiệm kiểm tra các chỉ số liên quan trực tiếp đến những căn bệnh ung thư thường gặp.