Sản phụ bị u tuyến thượng thận, ung thư tuyến giáp "mẹ tròn con vuông"

Tú Anh

(Dân trí) - Khi đang mang thai 26 tuần, sản phụ 31 tuổi vào viện vì đau thượng vị. Các bác sĩ phát hiện chị có u tuyến thượng thận, ung thư tuyến giáp.

Ngày 28/12, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, điều trị thành công ca bệnh khó, sản phụ đang mang thai phát hiện ung thư tuyến giáp và u tuyến thượng thận.

Sản phụ này từng có tiền sử 2 lần sảy thai (một lần lúc 8 tuần, một lần thai 13 tuần) vì mắc bệnh Basedow. Khi mang thai lần thứ 3, tình trạng Basedow và đái tháo đường thai kỳ của thai phụ được kiểm soát tốt bằng thuốc kháng giáp trạng và tiêm insulin. Khi lần lượt vượt qua các mốc 8 tuần, 13 tuần rồi 25 tuần… sản phụ rất vui mừng, mong đến ngày đón con chào đời.

Tuy nhiên, khi đến tuần thai thứ 26, bệnh nhân đau nhiều vùng thượng vị. Khi đến Bạch Mai khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một khối u lớn ở tuyến thượng thận bên trái, kích thước 86x70mm.

Sản phụ bị u tuyến thượng thận, ung thư tuyến giáp mẹ tròn con vuông - 1

Bệnh nhân ổn định sau khi phẫu thuật u tuyến thượng thận, ung thư tuyến giáp khi sinh con được 3 tháng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Với khối u này có thể xảy ra 3 nguy cơ: Là khối u ác tính; U tiết ra các nội tiết tố gây tăng huyết áp nặng; U phát triển to lên có thể chèn ép gây sảy thai hoặc đẻ non, bệnh nhân buộc phải nhập viện điều trị.

Khi được chỉ định làm thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá, bác sĩ lại phát hiện bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất hội chẩn toàn viện với hơn 10 chuyên khoa nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho người bệnh.

TS Bảy cho biết, với trường hợp của sản phụ, nếu phẫu thuật sớm sẽ tốt cho bệnh lý người mẹ nhưng nguy cơ hỏng thai là rất cao. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiếp tục điều trị nội khoa, theo dõi sát để giữ thai.

TS Bảy thông tin thêm, với những trường hợp này, bệnh nhân thường phải có chỉ định tiêm thuốc trưởng thành phổi nhằm đối phó với nguy cơ sinh non. Tuy nhiên, loại thuốc này lại có thể làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp và tăng đường huyết. Sau một tháng theo dõi chặt chẽ về huyết áp, đường huyết, bệnh nhân được tiêm thuốc trưởng thành phổi thành công, kiểm soát được các bệnh nền và ra viện.

Khi thai được 33 tuần, sản phụ xuất hiện cơn co tử cung, dọa đẻ non, phải nhập viện. Đến tuần thai 34, thai nhi đạt trọng lượng 2,6kg, các cơn co tử cung dồn dập, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai.

"Hai mẹ con sản phụ "mẹ tròn con vuông" là một thành công lớn, bởi người mẹ có tiền sử sản khoa nặng nề, lại có đến 5-6 bệnh nền khác nhau", BS Bùi Phương Thảo cho biết.

Tháng 11/2022, khi em bé được 3 tháng, bệnh nhân trở lại Bệnh viện Bạch Mai để giải quyết khối u tuyến thượng thận và khối ung thư tuyến giáp. Các bác sĩ liên khoa Nội tiết - Đái tháo đường; Phẫu thuật lồng ngực; Phẫu thuật Tiêu hóa Gan mật tụy và Gây mê hồi sức đã phẫu thuật thành công, giải quyết cả 2 khối u trong một lần phẫu thuật.

Hiện bệnh nhân xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh, hoàn toàn có thể có những lần sinh nở tiếp theo.