Ung thư máu cấp tính là bệnh gì?
(Dân trí) - Sốt kéo dài, dễ bầm tím, ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, gan to, lách to, sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi... có thể là dấu hiệu của ung thư máu cấp tính.
Ung thư máu cấp tính hay còn gọi là Lơ-xê-mi cấp, đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh nhanh chóng các tế bào non ác tính (tế bào blast) trong tủy xương, lan tràn ra máu ngoại vi và tích lũy trong các cơ quan khác. Những tế bào bất thường này không thể chống lại nhiễm trùng và làm suy yếu khả năng tạo ra các tế bào hồng cầu và tiểu cầu bình thường của tủy xương.
Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên năm 1827. Theo thời gian bệnh có nhiều tên gọi khác nhau như Leucocythemia (tăng bạch cầu), hay bệnh White blood (máu trắng). Cuối cùng bệnh này có tên mà đến bây giờ vẫn đang được sử dụng, đó là Leukemia (Lơ-xê-mi).
Theo phân loại của các nhà huyết học Pháp - Mỹ - Anh (FAB), ung thư máu cấp tính được chia thành Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (từ thể M0 đến M7) và Lơ-xê-mi cấp dòng lympho (từ thể L1 đến L3). Tổ chức Y tế thế giới phân loại bệnh ung thư máu cấp theo đặc điểm tế bào, miễn dịch và bất thường di truyền cũng như tiền sử điều trị. Bệnh ung thư máu cấp thường tiến triển nhanh, cần phải điều trị sớm.
Ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư máu?
Theo ThS.BS Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu TW, mặc dù các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân gây ra ung thư máu cấp tính, tuy nhiên họ đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Tiếp xúc với tia xạ.
- Tiếp xúc nhiều lần với một số hóa chất (ví dụ: benzen…).
- Nhiễm virus HTLV1, HTLV2.
- Sau hóa trị, sau các bệnh rối loạn sinh tủy/tăng sinh tủy ác tính.
- Người mắc bệnh di truyền như hội chứng Down…
Triệu chứng của bệnh như thế nào?
Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và thể bệnh ung thư máu cấp, nhưng chúng có thể bao gồm:
- Sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm.
- Gầy sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi.
- Gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương.
- Xuất huyết trên da hay chảy máu khó cầm…