Ung thư dạ dày - Bệnh có thể phòng ngừa
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Tại Việt Nam, năm 2018 có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp, điều đáng tiếc là ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Trong khi đó, đa số người bệnh đến khám và điều trị căn bệnh này ở giai đoạn muộn, đã di căn, gây khó khăn trong việc điều trị và tốn kém về kinh phí.
Theo các chuyên gia Bệnh viện K, ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết.
Nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền:
- Các tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày. Tiếp theo các các biến đổi dị sản của tế bào, rồi các biến đổi loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng. Loạn sản kéo dài cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày.
- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): được coi là một nguyên nhân gây ung thư dạ dày. HP làm viêm teo đét niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
- Thói quen sinh hoạt: Ăn các loại thức ăn có chứa Nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói... làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
- Béo phì: người béo phì dễ bị mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường.
- Di truyền: Ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền, người thân có mắc bệnh này.
Chính vì vậy, để phòng tránh ung thư dạ dày, cần duy trì cân nặng lý tưởng và chăm tập thể dục; hạn chế bia, rượu và các chất kích thích; sử dụng những thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn giàu chất xơ.
Đồng thời, cần được điều trị các bệnh lý viêm dạ dày ngay khi phát hiện bệnh; khám tầm soát và xử lý triệt để các khối polyp, u lành trong dạ dày; tầm soát ung thư định kỳ nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hoá…
Theo vtv.vn