Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh tăng lên 114 trẻ trai/100 trẻ gái

(Dân trí) - Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, nửa đầu năm 2014 dù tỷ lệ sinh giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh lại tăng vượt so với chỉ tiêu đặt ra vào năm 2015.

Tỷ lệ sinh tuy giảm nhưng chỉ giảm số bé gái, bé trai ngày càng tăng lên. Ảnh minh họa: H.Hải

Tỷ lệ sinh tuy giảm nhưng chỉ giảm số bé gái, bé trai ngày càng tăng lên. Ảnh minh họa: H.Hải

Theo ông Trọng, dù Việt Nam đã rất quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để giảm tình trạng chênh lệch giới, thế nhưng hiệu quả thì không thực sự như mong muốn bởi tập quán, thói quen, hành vi thích sinh con trai hơn con gái đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Việt.

“Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục gia tăng mạnh mẽ với 114,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Con số này đã vượt cao hơn cả chỉ tiêu đặt ra vào năm 2015. Nếu không ngăn được sự gia tăng của tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh thì hậu quả sẽ rất nặng nề về sau”, ông Trọng nói.

Hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được các chuyên gia dự báo, đó là sẽ thiếu 2,3 - 4,3 phụ nữ trong độ tuổi kết hôn vào năm 2050, kéo theo rất nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác như nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em gái…

Ông Trọng dẫn chứng về những bài học “nhãn tiền” tại Trung Quốc, Ấn Độ… với Việt Nam. Trung Quốc hiện nay thiếu 67 triệu phụ nữ, còn Ấn Độ thiếu 42 triệu phụ nữ so với số đàn ông hiện tại đang có. Việt Nam cũng không loại trừ được nguy cơ này bởi số trẻ gái đang giảm đi, trẻ trai tăng lên.

Chia sẻ tại hội nghị dân số ngày 14/8, ông Nguyễn Trung Thành, Phó chi cục trưởng Chi cục dân số Nghệ An cho biết, tại Nghệ An, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng ở mức cao- khoảng 18%, có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Có gia đình đến 14 người con. Trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sịnh đẻ sinh 2,6 con.

Theo ông Thành, nguyên nhân của tình trạng này ngoài vấn đề phong tục, tập quán, thói quen trong sinh đẻ mong muốn có con trai, mà chính sách nới lỏng việc xử lý cán bộ, Đảng viên vi phạm quy định về dân số góp phần làm tăng tỷ lệ này.

“Theo đó, trước kia khi vi phạm quy định dân số (ví như sinh con thứ ba) cán bộ sẽ bị cảnh cáo hoặc cách chức thì nay chỉ khiển trách. Do đó, tỷ lệ cán bộ sinh thêm con thứ 3 tăng đột biến. Đáng ngại hơn, hành vi này có tác động trực tiếp đến dân, dân thấy “cán bộ” sinh con thứ 3 thì cũng nhìn vào và làm theo”, ông Thành phân tích.

Vì thế ông cho rằng chính sách nới lỏng này phù hợp với đặc thù chung của cả nước, với những nơi đã đạt mức thay thế nhưng không phù hợp với tỉnh có mức sinh cao như Nghệ An.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng tỷ số giới tính khi sinh tăng ở những nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (ưa thích con trai hơn con gái) nhưng chưa có nước nào lại có tốc độ gia tăng nhanh như ở Việt Nam. Nguyên nhân một phần quan trọng là do người dân sử dụng những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh hiện đại để can thiệp và chẩn đoán.

Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này không chỉ tư tưởng Á đông thích con trai hơn con gái mà còn có cả sự “góp sức” của các kỹ thuật y tế hiện đại. Ngày càng có nhiều phụ nữ biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Gần 83% phụ nữ ở thành phố biết giới tính con trước sinh, ở nông thôn tỉ lệ này là gần 75%.

Rất nhiền tiến bộ khoa học được người dân áp dụng để “săn quý tử”, từ thời kỳ trước lúc mang thai bằng thế độ ăn, tìm thời điểm phóng noãn để thụ tinh, thụ tinh ống nghiệm để lọc rửa tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y sinh con trai. Chưa kể, sau khi có thai, các biện pháp kỹ thuật cũng được người Việt Nam tận dụng triệt để để biết được giưới tính thai. Về tâm lý, có đến 99% bà mẹ đều mong muốn biết cái thai đang mang trong bụng là trai hay gái và trên thực tế, một khảo sát cho thấy đến 99% phụ nữ biết giới tính khi sinh bằng các phương pháp siêu âm, công cụ chẩn đoán giới tính hiện đại và hiệu quả. Chỉ 11% phụ nữ mong muốn mình sinh con gái, còn số phụ nữ muốn sinh con trai thì gấp 3 lần. Đặc biệt vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉ lệ phụ nữ mong sinh con trai cao nhất cả nước (38%).

Hồng Hải