Tường đổ vì trèo bờ rào, bé 8 tuổi vỡ phổi
(Dân trí) - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã phẫu thuật, hồi sức cấp cứu thành công ca chấn thương rất nặng do tường đè sập lên ngực phải, gây vỡ phổi cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. (8 tuổi, Thanh Chương).
Ngày 1/3, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, trong lúc chơi ở nhà, cháu D. (trú xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, Nghệ An) trèo tường bờ rào, bất ngờ bị tường đổ đè trúng người từ cổ trở xuống.
Trẻ ngất xỉu trong đau đớn, người nhà hốt hoảng đưa cháu xuống bệnh viện huyện Thanh Chương để cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên trẻ được chỉ định chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Bệnh nhi tới viện trong tình trạng sốc mất máu do đa chấn thương, kích thích vật vã, niêm mạc rất nhợt, SpO2 80%, mạch không bắt được, huyết áp khó đo; phải tối cấp đặt nội khí quản, truyền dịch, máu chống sốc, cấp cứu ngừng tim, hút dẫn lưu màng phổi kín liên tục…
Trước tình trạng nguy kịch, bệnh nhân được cấp cứu chống sốc kịp thời. Quá trình thăm khám lâm sàng kết hợp kết quả phim chụp X-quang lồng ngực tại giường, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp sốc mất máu do chấn thương ngực kín; tổn thương mạch máu và phổi gây tràn máu, khí màng phổi…
Hệ thống báo động đỏ kích hoạt toàn viện. Bệnh nhân được chuyển thẳng lên khoa Gây mê Hồi sức để tiến hành phẫu thuật khẩn trương. Các chuyên khoa Ngoại, Hồi sức tích cực ngoại khoa, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm huyết học phối hợp chặt chẽ cấp cứu giành giật sự sống cứu bé D.
"Cháu D. bị đa chấn thương, nhập viện trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp và suy tuần hoàn diễn tiến rất nhanh. Đặt lại dẫn lưu màng phổi mới, êkip cấp cứu hút ra 700ml máu và khí, giúp giảm áp lực cho lồng ngực. Đồng thời, bệnh nhân được bù khối lượng tuần hoàn bằng dịch truyền và chế phẩm máu, cấp cứu ngừng tim, duy trì vận mạch để đảm bảo huyết động.
Chỉ trong vòng 1 tiếng bệnh nhân đã được đảm bảo tình trạng hô hấp - tuần hoàn để chuyển sang phòng mổ. Đây là tình trạng cấp cứu bệnh nhân nặng đòi hỏi kinh nghiệm và ekip xử trí rất nhanh", bác sĩ Tạ Thị Quỳnh Anh - Trưởng khoa Hồi sức tích cực ngoại khoa nhận định.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê nội khí quản, êkip tiến hành mở ngực thấy nhiều máu đỏ tươi và máu cục chảy đầy trong lồng ngực phải, thùy dưới phổi phải vỡ đứt cả động mạch, tĩnh mạch và phế quản.
Tiếp tục, êkip tiến hành kẹp thắt động mạch, tĩnh mạch thùy dưới, khâu kín phế quản, cắt bỏ thùy dưới bị dập nát, gãy xương sườn 5-6-7, rửa sạch khoang màng phổi, đặt dẫn lưu khoang màng phổi. Trong quá trình mổ phải truyền 2 lít máu và chế phẩm máu.
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, sốc mất máu, tràn máu màng phổi là một tình trạng rất nặng trong chấn thương ngực có thể do những tổn thương nặng nề như vỡ eo động mạch chủ, rách động mạch liên sườn, đứt dây chằng đỉnh phổi, rách nhu mô phổi…
"Trường hợp bệnh nhi D. nếu không được nhanh chóng tiến hành xử trí cấp cứu, người bệnh có thể sốc mất máu và suy hô hấp dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào. Hiện tại, sức khỏe bé D. đã ổn định và được xuất viện về nhà...", bác sĩ Tạ Thị Quỳnh Anh cho biết thêm.