Bé 14 tháng tuổi vỡ tim, dập phổi nguy kịch khi ngồi trước vô lăng ô tô

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Bé 14 tháng tuổi ngồi trước vô lăng xe ô tô, không may người lái đạp nhầm chân ga khiến chiếc xe mất lái đâm vào tường. Hậu quả cháu bé bị thương nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 4/12, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đơn vị mới cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhi 14 tháng tuổi bị tai nạn vỡ tim, dập phổi nguy kịch.

Theo người nhà bệnh nhi, ngày 9/11, trẻ được người thân cho ngồi phía trước vô lăng xe ô tô để đưa đi dạo. Khi người thân vô tình đạp nhầm chân ga và chân phanh, xe ô tô đã đâm thẳng vào bờ tường, khiến trẻ bị chấn thương va đập mạnh, lồng ngực bị ép vào vô lăng cứng.

Bé 14 tháng tuổi vỡ tim, dập phổi nguy kịch khi ngồi trước vô lăng ô tô - 1

Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật để cứu cháu bé (Ảnh: BV Sản Nhi Nghệ An).

Ngay sau tai nạn, trẻ quấy khóc đau đớn, lơ mơ dần, được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng sốc, mạch nhanh nhỏ, kích thích vật vã, dọa tử vong.

Sau khi thực hiện sơ cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển gấp lên khoa Hồi sức Ngoại khoa. Đồng thời, bé được chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết và siêu âm tim, chụp X-quang ngay tại giường bệnh. Kết quả siêu âm tim xuất hiện hình ảnh chèn ép tim cấp, vỡ thành thất phải vị trí 1/3 dưới, X-quang tim phổi: Hình ảnh tim to, tràn dịch màng tim, mờ 1/3 giữa phổi trái.

Tại đây, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản cấp cứu, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm kết hợp dùng các thuốc vận mạch kiểm soát huyết động để duy trì chức năng sống.

Bé 14 tháng tuổi vỡ tim, dập phổi nguy kịch khi ngồi trước vô lăng ô tô - 2

Bệnh nhi đang được chăm sóc đặc biệt sau ca phẫu thuật (Ảnh: BV Sản Nhi Nghệ An).

Các bác sĩ cũng xác định trẻ bị vỡ tim do chấn thương ngực kín, chấn thương đụng dập phổi trái và chỉ định phẫu thuật cấp cứu tối khẩn. Sau khi mở ngực, mở màng tim, phát hiện tim trẻ đã ngừng đập hoàn toàn, máu tụ trong khoang màng tim rất nhiều và chảy từ trung thất ra ngoài lồng ngực.

Sau đó, các bác sĩ đã phẫu thuật mở màng tim, hút hết máu tụ và dùng tay bóp để kích thích tim trẻ hoạt động trở lại ngay trong lồng ngực. Sau nỗ lực của bác sĩ, tim trẻ đập trở lại bình thường. Tiếp đó, các bác sĩ tiến hành thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể bệnh nhi, phẫu thuật viên quan sát thấy tim trẻ bị rách nhĩ phải khoảng 1 cm, sát tĩnh mạch chủ dưới. Rất nhanh chóng, phẫu thuật viên khâu vết rách vỡ tim của trẻ, kiểm soát tình trạng chảy máu, dẫn lưu phổi, màng ngoài tim và trung thất và đóng ngực.

Sau nhiều giờ đồng hồ nỗ lực, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.