Tưởng bị cảm hóa đái tháo đường thể tối cấp
(Dân trí) - Thấy trong người mệt mỏi, sốt nhẹ, chị C.N.B. (29 tuổi, ở TPHCM) tự đi mua thuốc hạ sốt, uống một liều và tự mua lá cây về xông hơi nhưng tình trạng không cải thiện, nôn ói sau ăn.
Đến ngày thứ ba, chị B. vẫn mệt, ăn ít, ói sau ăn. Buổi sáng chị B. còn tỉnh táo, đến chiều thì lừ đừ, lơ mơ, được đưa đến Bệnh viện quận, chẩn đoán: hôn mê nhiễm ceton acid - đái tháo đường mới phát hiện và chuyển viện Bệnh viện Nhân Dân 115.
Nữ bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện Bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng lơ mơ.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận: bệnh nhân lơ mơ, dấu véo da đàn hồi chậm, tim đều rõ, phổi không rale, bụng mềm, gan lách không to.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê nhiễm ceton acid - đái tháo đường típ 1 (thể tối cấp) - theo dõi nhiễm trùng đường hô hấp trên - suy thận cấp trước thận và điều nội khoa tích cực bao gồm điều chỉnh nước điện giải, insulin và kháng sinh.
Sau 12 tiếng kể từ lúc nhập viện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, hiện đã bắt đầu uống sữa, ăn cháo.
Các bác sĩ khoa Nội tiết khuyến cáo: Bệnh nhân trẻ vẫn có thể bị đái tháo đường mới xuất hiện và bệnh có thể khởi phát tối cấp mà hoàn toàn không có các triệu chứng kinh điển “4 nhiều” (tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều và sụt cân nhiều) trước đó. Do đó, cần làm xét nghiệm đường huyết thường quy tại khoa cấp cứu. Nếu bệnh nhân có rối loạn tri giác thì nên làm ngay xét nghiệm đường huyết mao mạch để có kết quả ngay giúp bác sĩ xử trí kịp thời.
Với người bệnh, khi có biểu hiện bất thường nên đến khám ngay tại các cơ sở y tế phù hợp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tránh tự ý mua và sử dụng thuốc một cách tùy tiện có thể làm cho bệnh lý bị phát hiện trễ và đưa đến bệnh trầm trọng hơn.
Nhân Hà