Tự ý dùng thuốc kháng virus, F0 đối mặt với những nguy cơ gì?

Minh Nhật

(Dân trí) - Khó tiếp cận với y tế cơ sở để được hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà, một bộ phận người dân "tự xoay xở" bằng cách mua các thuốc được cho là có thể chữa Covid-19, đặc biệt là thuốc kháng virus.

Thuốc chữa Covid-19 nhan nhản "chợ mạng"

Dịch Covid-19 tại Hà Nội leo thang trong thời gian vừa qua tạo áp lực lớn lên lực lượng quản lý và điều trị F0.

Tự ý dùng thuốc kháng virus, F0 đối mặt với những nguy cơ gì? - 1

Có cả những hội nhóm với hàng trăm thành viên được lập ra chỉ để mua bán thuốc molnupiravir.

Khó tiếp cận với y tế cơ sở để được hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà, một bộ phận người dân "tự xoay xở" bằng cách mua các thuốc được cho là có thể chữa Covid-19, đặc biệt là thuốc kháng virus. Thậm chí, nhiều trường hợp chưa phải là F0 cũng mua sẵn thuốc kháng virus để dự phòng.

Tự ý dùng thuốc kháng virus, F0 đối mặt với những nguy cơ gì? - 2

Không khó để tìm thấy các bài viết quảng cáo bán thuốc molnupiravir trên mạng xã hội.

Các sản phẩm thuốc kháng virus được rao bán trên "chợ mạng" có nhiều nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, chủ yếu đều chứa hoạt chất chính là molnupiravir hoặc favipiravir.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản 122/SYT-QLHNYDTN đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị Covid-19.

Cụ thể, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật của các cơ sở bán lẻ thuốc, tập trung kiểm tra việc bán thuốc kháng virus molnupiravir, favipiravir… Xử lý nghiêm các cơ sở bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Sở Y tế Hà Nội, thuốc molnupiravir mới đang được sử dụng trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai, thuốc chỉ cấp phát cho bệnh nhân, không bán trên thị trường. Do đó, thuốc molnupiravir bán ở nhà thuốc hoặc ngoài thị trường là vi phạm.

"Tiền mất, tật mang" khi sử dụng thuốc chữa Covid-19 không đúng cách

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Khoa Huyết học, Bệnh viện Quân y 103, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết, khi biết bản thân mắc Covid-19, hầu như ai cũng có tâm lý lo lắng, tự lên mạng mua các thuốc kháng virus của Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… về uống. Đây đều là các thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, hàng xách tay nên dù bệnh nhân có chỉ định dùng hoạt chất đó nhưng không rõ nguồn gốc nên bác sĩ cũng không thể tư vấn dùng. 

Theo BS Hiệp, điều này mang lại hiệu quả không tốt, thậm chí quá liều có thể dẫn đến ngộ độc với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt…

"Cá biệt có trường hợp mới chỉ là F1 đã mua thuốc kháng virus xách tay để dùng. Thuốc kháng virus phải dùng đúng chỉ định mới có tác dụng, không thể dùng như thuốc bổ được", BS Hiệp nói. 

Tự ý dùng thuốc kháng virus, F0 đối mặt với những nguy cơ gì? - 3

Theo các chuyên gia, F0 phải sử dụng thuốc kháng virus đúng chỉ định để tránh các nguy cơ về sức khỏe (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Đồng quan điểm, theo BS Lê Xuân Thắng (từng công tác tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 103), F0 điều trị tại nhà chỉ sử dụng các thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Khi sử dụng cần tuân thủ tuyệt đối tuân theo phác đồ điều trị, chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng sai liều, sai đối tượng, mục đích có thể khiến người bệnh đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe.

Hiện tại, có 3 loại thuốc kháng virus được sử dụng trong phác đồ điều trị Covid-19 tại Việt Nam: molnupiravir, favipiravir, remdesivir. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, chỉ có favipiravir hàm lượng 200/400mg là được phép sử dụng đường uống với liều lượng do bác sĩ chỉ định. Thuốc remdesivir chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế và cũng tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Molnupiravir đang được dùng trong các chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát. Thuốc được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ và vừa, không được bán trên thị thường.

Đáng chú ý, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, dựa trên các kết quả thu được từ nghiên cứu về sinh sản ở động vật, molnupiravir có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên bào thai khi được sử dụng cho các cá thể động vật mang thai. Tuy nhiên, hiện chưa có các dữ liệu về việc sử dụng molnupiravir trên người để đánh giá tác động của molnupiravir đến nguy cơ gây ra các dị tật bẩm sinh, sẩy thai hoặc các nguy cơ liên quan đến thai kì khác.

Do đó, molnupiravir không được FDA khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang trong thời kì mang thai. Molnupiravir chỉ được phép kê đơn cho phụ nữ mang thai sau khi bệnh nhân được nhân viên y tế xác định rằng lợi ích của việc điều trị bằng molnupiravir sẽ lớn hơn nguy cơ đối với bệnh nhân; và sau khi nhân viên y tế giải thích rõ những lợi ích về sức khỏe cũng như rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng thuốc molnupiravir trong thời kì mang thai cho bệnh nhân.

Các bệnh nhân cũng được khuyến cáo sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả trong quá trình sử dụng thuốc molnupiravir

Cũng theo FDA, molnupiravir không được chỉ định sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn khớp.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại Việt Nam, favipiravir được dùng cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, người suy gan, suy thận nặng. 

Bệnh nhân khi sử dụng favipiravir cần chú ý ít nhất 2 ngày đầu dùng thuốc do có thể gây rối loạn tâm thần.

Các bệnh nhân có tiền sử gout cũng cần chú ý khi sử dụng thuốc vì có thể làm tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm