Thế giới phát triển nhiều loại thuốc kháng virus hứa hẹn chống lại Covid-19

(Dân trí) - Các loại thuốc kháng virus dạng viên chữa Covid-19 đang được phát triển. Các chuyên gia đánh giá đó có thể là cơ hội để thế giới chống lại đại dịch Covid-19 và quay lại cuộc sống bình thường.

Bệnh diễn biến tốt sau 7 ngày

Vào ngày được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi tháng 6, những triệu chứng của Miranda Kelly (ở Seattle) nghiêm trọng đến mức cô đã rất lo lắng. Kelly đã 44 tuổi, có bệnh nền là tiểu đường và huyết áp cao. Khi mắc Covid-19, cô bị khó thở và được đưa tới phòng cấp cứu.

Không lâu sau đó, chồng cô là Joe, 46 tuổi, cũng mắc Covid-19. Lúc này, Kelly thực sự lo lắng, khi nghĩ đến 5 đứa con đang độ tuổi thiếu niên ở nhà.

"Tôi đã cầu xin Chúa để chúng tôi không phải thở máy. Chúng tôi còn những đứa con. Nếu chúng tôi có mệnh hệ gì thì ai sẽ nuôi nấng chúng?", Kelly nhớ lại.

Sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19, vợ chồng cô đã tham gia vào một cuộc thử nghiệm lâm sàng ở trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutch ở gần đó - một trong những cơ sở trên thế giới thử nghiệm phương pháp điều trị kháng virus nhằm ngăn chặn Covid-19 ngay từ giai đoạn đầu.

Thế giới phát triển nhiều loại thuốc kháng virus hứa hẹn chống lại Covid-19 - 1

Thuốc kháng virus SARS-CoV-2 dạng viên đang được phát triển, với kỳ vọng mang lại cuộc sống bình thường cho các bệnh nhân.

Ngay khi tham gia cuộc thử nghiệm, mỗi ngày cặp đôi được phát 4 viên thuốc, uống 2 lần/ngày. Mặc dù họ không được cho biết là liệu họ nhận được thuốc hay giả dược nhưng trong một tuần, tình trạng của họ đã trở nên khá hơn. Sau 2 tuần, 2 người đã hồi phục.

"Tôi không biết liệu chúng tôi có nhận được phương pháp điều trị này hay không nhưng tôi có cảm giác rằng mình đã được điều trị. Với tất cả những bệnh nền hiện tại, theo tôi, sự hồi phục đã diễn ra rất nhanh", Miranda Kelly cho hay.

Gia đình Kelly đã đóng vai trò nhất định trong việc phát triển cơ hội tiếp theo của thế giới để ngăn chặn Covid-19: Đó là sử dụng thuốc uống hàng ngày có thể chống lại virus vào giai đoạn đầu sau khi được chẩn đoán và ngăn chặn các triệu chứng phát triển sau khi phơi nhiễm.

Timothy Sheahan, một nhà virus học tại Đại học North Carolina-Chapel Hill đánh giá: "Các loại thuốc uống có tiềm năng không chỉ kiềm chế các triệu chứng của Covid-19 mà còn hạn chế sự lây lan sang những người trong gia đình".

Thuốc kháng virus là những phương pháp điều trị cần thiết đối với các bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, trong đó có viêm gan C và HIV. Trước đó, loại thuốc kháng virus được biết tới nhiều nhất là Tamiflu, loại thuốc được kê đơn rộng rãi có thể rút ngắn thời gian mắc bệnh cúm và giảm nguy cơ nhập viện nếu sử dụng kịp thời.

Các loại thuốc được phát triển để điều trị cũng như ngăn virus ở người và động vật hoạt động khác nhau, tùy vào từng loại. Tuy nhiên, chúng có thể được điều chỉnh để thúc đẩy hệ miễn dịch nhằm chống lại dịch bệnh, ngăn chặn các thụ thể để virus không thể xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh và làm giảm lượng virus trong cơ thể.

Nhiều "ứng viên" tiềm năng

"Đến nay, có ít nhất 3 loại thuốc chống virus hứa hẹn đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với kết quả dự kiến sẽ được công bố sớm nhất là vào cuối mùa thu hoặc sang mùa đông", Carl Dieffenbach, giám đốc Phòng nghiên cứu về bệnh AIDS tại Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia nhận định.

"Tôi cho rằng chúng ta sẽ có câu trả lời về khả năng của những loại thuốc này trong một vài tháng tới", Dieffenbach nói.

Dieffenbach cho biết, đầu tiên là một loại thuốc từ Merck & Co. và Ridgeback Biotherapeutics được gọi là Molnupiravir. Đây chính là loại thuốc mà gia đình Kelly đã tham gia thử nghiệm ở Seatle. Hai ứng viên khác là PF-07321332 từ Pfizer và AT-527 - một loại thuốc chống virus do các công ty dược phẩm Roche and Atea Pharmaceuticals sản xuất.

Những loại thuốc này hoạt động bằng cách can thiệp vào khả năng nhân lên của virus trong tế bào con người. Đối với thuốc Molnupiravir, enzyme sao chép chất liệu di truyền của virus bị buộc phải tạo ra thật nhiều lỗi sai để virus không thể nhân lên. Điều này giúp giảm tải lượng virus trong cơ thể bệnh nhân, rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn chặn các phản ứng miễn dịch nguy hiểm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong.

Sheahan, người cũng tham gia các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng Remdesivir, đã dẫn đầu một nghiên cứu trên chuột cho thấy Molnupiravir có thể ngăn chặn Covid-19 trong giai đoạn đầu.

Các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã diễn ra sau đó, trong đó có cuộc thử nghiệm trên 202 người tham gia vào mùa xuân năm ngoái, cho thấy Molnupiravir đã làm giảm nhanh chóng lượng virus gây bệnh. Giám đốc điều hành Merck Robert Davis cho biết, công ty này sẽ thu thập được dữ liệu trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 với quy mô lớn hơn trong những tuần tới và có thể sẽ cố gắng để được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thông qua để sử dụng khẩn cấp "trước cuối năm nay".

Trên thế giới, đến nay chỉ có một loại thuốc chống virus là Remdesivir đã được thông qua để điều trị Covid-19. Tuy nhiên, loại thuốc này sẽ phải truyền tĩnh mạch cho những bệnh nhân cần nhập viện và không được sử dụng rộng rãi trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Trái lại, những loại thuốc đang được nghiên cứu trên có thể được sản xuất dưới dạng viên uống, sẽ mang lại cơ hội tiếp cận thuận lợi để đưa cuộc sống trở về bình thường.

Pfizer cũng đã tiến hành các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 với loại thuốc điều trị Covid-19, trong khi các nhà điều hành Atea cho biết họ dự kiến sẽ có kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 vào cuối năm nay.

Viên uống có thể dùng hàng ngày

Theo Dieffenbach, nếu kết quả khả quan và việc sử dụng khẩn cấp bất kỳ loại thuốc nào trong các loại thuốc trên được thông qua, việc phân phối có thể nhanh chóng bắt đầu.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng triệu người dân Mỹ sẽ sớm được sử dụng loại thuốc uống dùng hàng ngày này để điều trị Covid-19. Liệu trình điều trị dự kiến kéo dài từ 5 - 10 ngày kể từ khi được xác nhận mắc bệnh, với thuốc viên uống tiện lợi.

Nếu thuốc kháng virus viên mới được thông qua, chỉ có một thách thức, đó là việc phân phối để có thể đưa chúng đến những người mắc bệnh sớm nhất có thể. Các nhà điều hành Merck cho biết công ty của họ có thể sản xuất hơn 10 triệu liều vào cuối năm nay. Trong khi đó, Atea và Pfizer chưa đưa ra ước tính cụ thể.

Một triển vọng hứa hẹn hơn là các nghiên cứu hiện đang đánh giá về việc liệu thuốc kháng virus có thể ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19 sau khi phơi nhiễm hay không.

"Hãy nghĩ về điều đó. Bạn có thể dành nó cho mọi người trong gia đình hoặc mọi người trong trường học. Và sau đó, có lẽ chúng ta sẽ nói về sự quay lại của cuộc sống bình thường", Elizabeth Duke, giáo sư nghiên cứu thuộc Fred Hutch đang giám sát cuộc thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir đánh giá.

Cẩm Lê

Theo CNN