1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thanh Hóa:

Tử vong bất thường khi đang truyền đạm tại bệnh viện

(Dân trí) - Một bệnh nhân trong lúc truyền đạm tại bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã bị sốc phản vệ. Sau khi được bệnh viện cấp cứu qua cơn nguy kịch, bệnh nhân tiếp tục tái sốc mấy tiếng sau đó và tử vong.

Theo đó, vào ngày 17/3, bệnh nhân Mạch Văn Hà (SN 1960, ngụ xã Công Liêm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng viêm dạ dày, viêm đa khớp dạng thấp, suy kiệt cơ thể.

Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân đã có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên cơ thể vẫn suy kiệt nên ngày 27/3, bác sĩ Phạm Bá Hợp, Khoa Nội (Bệnh viện Đa khoa Nông Cống) chỉ định truyền đạm.

Bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống- nơi xảy ra việc bệnh nhân chết sau khi truyền đạm
Bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống- nơi xảy ra việc bệnh nhân chết sau khi truyền đạm

Bệnh nhân được truyền đạm từ 14h, đến 15h thì bệnh nhân Hà có biểu hiện rét run, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt. Lúc này, các bác sĩ kíp trực đã cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân dần ổn định trở lại. 16h cùng ngày, bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán lâm sàng ổn định. Tuy nhiên, đến 22h bệnh nhân tái sốc và có biểu hiện giống ban đầu. Lần tái sốc này chỉ 30 phút nhưng bệnh nhân tử vong.

Cho rằng nguyên nhân cái chết của ông Hà là do bệnh viện, người nhà bệnh nhân đã bao vây bệnh viện khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc can thiệp, ổn định tình hình.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Nguyên Khanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống xác nhận sự việc trên và cho biết những trường hợp sốc phản vệ thường tiên lượng rất nặng, khó cứu chữa nhưng không ngờ bệnh nhân này tử vong nhanh như vậy.

Điều đáng nói là theo người nhà bệnh nhân thì túi đạm truyền cho bệnh nhân do bác sĩ chỉ định người nhà mua từ bên ngoài. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này (sau 1 ngày xảy ra sự việc), giám đốc bệnh viện vẫn không nắm được đạm truyền cho bệnh nhân Hà là lấy từ kho thuốc bệnh viện hay được mua bên ngoài và sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc trên, túi đạm cũng không được bệnh viện niêm phong.

“Nếu bác sĩ chỉ định bệnh nhân ra ngoài mua đạm là không đúng nguyên tắc vì kho thuốc của bệnh viện có. Còn việc không niêm phong túi đạm do thời gian truyền đạm từ 14h chiều, sau đó bệnh nhân bị sốc và đã cấp cứu ổn định, rồi mãi tới 7 tiếng sau, bệnh nhân lại tái sốc, nên bệnh viện không niêm phong”, ông Khanh nói

Cũng theo người nhà bệnh nhân thì sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện huyện Nông Cống đã “bồi thường” cho gia đình một khoản tiền không nhỏ. Tuy nhiên khi được hỏi về việc này, ông Khanh xin được không thông tin cụ thể số tiền mà chỉ cho biết đó là khoản mai táng phí cho gia đình.

“Số tiền này được lấy từ nguồn bảo hiểm bệnh viện mua từ gói bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ, hoặc anh em bệnh viện bỏ tiền túi chứ chúng tôi không lấy tiền ngân sách”, ông Khanh cho biết thêm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Bình Minh