Tự thụt hậu môn để giảm cân và trẻ hóa, 2 phụ nữ vỡ đại tràng
(Dân trí) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn gần đây tiếp nhận cấp cứu cho 2 bệnh nhân nữ bị vỡ đại tràng do tự thụt tháo tại nhà. Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện đau bụng dữ dội, đi ngoài ra máu.
Theo đó, bà Đ.T.P. (57 tuổi) và bà L.T.T. (50 tuổi) vào viện do đau bụng vùng chậu dưới rốn dữ dội kèm đi ngoài ra máu. Trước đó, hai bệnh nhân đã sử dụng phương pháp thụt nước qua đường hậu môn tại nhà nhiều lần với mục đích làm sạch đại tràng để giảm cân và trẻ hóa.
Lần này, trong quá trình tự thụt tháo, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn khám.
Kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm cho thấy hình ảnh có khí trong ổ bụng bệnh nhân, nghi ngờ vỡ trực tràng. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu để xử trí tổn thương.
Theo BSCKII Nguyễn Trọng Đức, khoa Ngoại Tiêu hóa, hai bệnh nhân bị vỡ trực tràng 1/3 dưới làm phân và dịch tiêu hóa tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc. Kíp phẫu thuật đã khâu chỗ vỡ trực tràng, đồng thời rửa sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu. Sau 14 ngày, bệnh nhân xuất viện và đã ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Thụt tháo là biện pháp dùng chất lỏng bơm ngược từ hậu môn vào trực tràng, các chất lỏng này có tác dụng làm mềm phân. Đây là phương pháp được chỉ định trong các trường hợp táo bón khó đi ngoài, cần làm sạch đại tràng để làm thủ thuật, phẫu thuật hay một số trường hợp đặc biệt cần thụt thuốc để chẩn đoán, điều trị.
Kỹ thuật thụt tháo được chỉ định cho bệnh nhân bị táo bón, trước phẫu thuật đường tiêu hóa, trước thụt chất cản quang vào ruột để chụp X-quang khung đại tràng, trước đẻ, trước nọi soi trực tràng để quan sát và phát hiện tổn thương đại tràng…
Nó chống chỉ định cho bệnh nhân thương hàn có nguy cơ thủng ruột, bị viêm ruột, tắc ruột, xoắn ruột, tổn thương hậu môn, trực tràng.
Những tai biến có thể xảy ra là chảy máu ở bệnh nhân có tổn thương bệnh lý như trĩ, ung thư, đại tràng. Thậm chí thủng đại tràng ở bệnh nhân lỵ amíp có tổn thương sâu đến lớp cơ đại tràng. Bệnh nhân thương hàn có nguy cơ thủng ruột khi thụt tháo.
Việc bơm nước vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài làm mất phản xạ của trực tràng, không thụt tháo là không đại tiện được. Đồng thời, việc mất phản xạ của trực tràng cũng làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng trong những lần thụt tháo sau, do bệnh nhân không còn cảm giác buồn đại tiện nữa.
Khi người dân tự thụt tháo rất dễ bơm quá nhiều nước vào trực tràng gây vỡ. Ngoài ra, việc đưa nước theo con đường trái tự nhiên sẽ đẩy hệ vi sinh đường ruột vào trạng thái mất cân bằng, gây viêm đại trực tràng, cũng sẽ gây nguy cơ mất nước, mất cân bằng điện giải, suy giảm chức năng ruột và phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột.
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, thụt tháo đại tràng là phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép.
Hiện nay, các bằng chứng khoa học chưa khẳng định tác dụng của phương pháp thải độc này. Do vậy, người dân cần lưu ý khi lựa chọn các phương pháp thải độc hoặc làm sạch với mục đích loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, cải thiện sức khỏe.
Thay vì áp dụng các phương pháp không khoa học, mỗi người nên tự bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ… Đồng thời, chúng ta hạn chế bia rượu, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thường xuyên vận động cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn mỗi ngày.