1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Từ đây mình biết thương mình

Trên sân khấu cũng như ngoài đời thực, diễn viên Thuỵ Mười luôn mang đến cho bạn bè, khán giả những tiếng cười. Ít ai biết rằng, tiếng cười ấy lại đến từ một trái tim bệnh tật.

Từ đây mình biết thương mình - 1

Một tinh thần lạc quan sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại những gì đã mất.

  

Suy sụp

 

Đã hơn một lần Thuỵ Mười bật khóc trong phòng khám khi nhận kết quả bệnh từ tay bác sĩ. Chị chia sẻ: “Tôi bị bệnh tim bẩm sinh, phát hiện lúc mới tám tháng tuổi. Nhưng ngoài một lần bệnh nặng tưởng chết lúc nhỏ, hầu như tôi ít khi bị bệnh vặt. Cũng đã ba mươi mấy năm trôi qua, nên tôi quên luôn căn bệnh của mình.

 

Những ngày cuối năm 2010, tôi đi diễn ở Vĩnh Long thì bị trúng gió. Đồng nghiệp cạo gió vẫn không khỏi, về lại Sài Gòn tôi bị sốt cao, phải truyền nước biển. Cuối năm, lịch diễn kín mít, không bỏ được, truyền nước xong là tôi bước lên sân khấu, lúc làm một bà nông dân, khi thì nhập vai vào những bước nhảy của Michael Jackson. Cứ diễn xong là tôi sốt liên tục cả tuần không khỏi, bước lên vài bậc cầu thang cũng thấy khó thở, mệt mỏi, da dẻ thì tím tái. Vậy là quyết định đến phòng khám siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu, nước tiểu, đo điện tim.

 

Bác sĩ đưa ra kết quả: tôi bị bệnh tim rất nặng. Nhưng lúc đó tôi vẫn chưa tin, tiếp tục kiểm tra ở một bệnh viện khác, kết quả vẫn không thay đổi. Bác sĩ bảo phải phẫu thuật ngay, kéo dài thời gian sẽ không tốt cho tính mạng. Tinh thần tôi xuống dần, suy sụp khi nghe đến chuyện phẫu thuật. Tôi nghĩ rằng, cuộc sống và nghiệp diễn của mình đã dừng lại rồi!”

 

Đứng dậy

 

Lúc bác sĩ tính chi phí cuộc phẫu thuật thay van tim lên đến hai trăm triệu đồng, Thuỵ Mười chỉ biết khóc: “Tôi hoàn toàn bất lực với chi phí đó. Bao nhiêu năm gắn với nghề, tôi không còn lại gì ngoài những vai diễn và hai bàn tay trắng. Từ bệnh viện bước ra, tôi tìm đến sân khấu, nói lời chia tay với đồng nghiệp của mình”.

 

Phải biết thay đổi để giữ lấy trái tim

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên, trưởng khoa điều trị ngoại, viện Tim THCM, người trực tiếp phẫu thuật cho chị Mười, cho biết: “Bệnh nhân Mười bị nhiều chứng: tăng áp động mạch phổi khá cao, thông liên nhĩ lỗ thứ phát, hở van ba lá. Lúc đầu nghĩ rằng sẽ thay van cho bệnh nhân, nhưng khi phẫu thuật, chúng tôi quyết định phục hồi giữ lại van cho cô sẽ tốt hơn. Chứng bệnh tim bẩm sinh của bệnh nhân Mười lẽ ra phải được điều trị ngay từ còn nhỏ. Bệnh nhân tìm đến bệnh viện trong sự muộn màng.

Thời gian đầu khi nghe bệnh, tinh thần bệnh nhân rất suy sụp. Nhưng chị đã chịu hợp tác với bác sĩ, cùng trải qua cuộc phẫu thuật, nghiêm khắc thực hiện chế độ dinh dưỡng, luyện tập nên sức khoẻ nhanh chóng hồi phục. Tôi muốn nói với những bệnh nhân tim cùng trường hợp rằng: phải biết thay đổi mình để giữ lấy trái tim của mình”.

 

Xuyên suốt câu chuyện, Thuỵ Mười luôn nhắc đến đồng nghiệp - những người bạn thân thiết nhất trong cuộc đời mình. Bởi như chị nói, không có họ, không biết chị còn sống đến hôm nay hay không. Sau khi biết bệnh tình của Thuỵ Mười, các nghệ sĩ Hoài Linh, Văn Long, Phi Phụng đã cùng nhau tổ chức những đêm diễn lấy tiền giúp chị phẫu thuật. “Cũng trong giai đoạn này, sức khoẻ tôi được kiểm tra thường xuyên, xét nghiệm máu, chụp mạch máu. Tôi được bác sĩ theo dõi liên tục trong hai tháng. Đến đầu tháng tư, sức khoẻ ổn định, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật thay van tim cho tôi. Những ngày nằm viện, chờ đợi giờ mổ, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu nước mắt của thân nhân những bệnh nhân tim khác. Cứ nghe tiếng còi hụ xe cấp cứu, rồi sau đó là tiếng khóc than, nghĩa là đã có người chịu thua bệnh tật! Sự sống và cái chết cách nhau bởi lằn ranh rất mong manh. Nhưng còn sống thì còn đấu tranh.

 

Trước lúc lên bàn mổ, tinh thần tôi đã rất sẵn sàng: phải có nghị lực để vượt qua, còn nếu đã đuối sức thì coi như mình đã được dạo chơi phần nào trong thế giới này rồi... Tôi vô tư nghĩ như vậy đó”, chị kể lại suy nghĩ của mình những ngày nhập viện.

 

Ngày 7/4/2011, êkíp bác sĩ của viện Tim TPHCM đã trải qua bốn tiếng đồng hồ để phẫu thuật cho Thuỵ Mười. Các bác sĩ quyết định phục hồi van tim chứ không thay van mới, tránh được quá trình uống thuốc kháng đông về sau. Ca phẫu thuật thành công. “Lên bàn mổ lúc hai giờ chiều, đến tám giờ tối thì tôi tỉnh lại. Phía ngoài hành lang phòng hồi sức vẫn là những người bạn thân của tôi. Họ đã túc trực suốt những ngày tôi nằm viện, lo cho tôi từng muỗng cháo, ly sữa, cả việc vệ sinh và trò chuyện giúp tôi quên cơn đau hậu phẫu”, chị hồi tưởng.

 

Và thay đổi lối sống

 

Nhắc đến những cơn đau sau mổ, Thuỵ Mười rùng mình: “Một cử động nhỏ cũng ho. Mỗi lần ho thì rất dai dẳng, và tôi đau dữ lắm. Nhưng tôi cố gắng tập đi lại, vận động để tránh biến chứng tim dính vào phổi. Những bệnh nhân cùng phòng tôi họ gặp không ít biến chứng. Người bị dịch tràn phổi, dịch tràn màng tim, người bung chỉ vết thương vì những cơn ho mạnh... May sao, tôi chỉ bị ngứa do nổi mề đay. Nhưng cơ thể tôi lúc đó yếu như sên. Bị muỗi cắn ở mặt, mà đưa tay lên gãi mất đến mười giây, phản xạ rất chậm, không cầm nổi thìa để xúc cơm ăn. Nói xong một câu phải ngừng lại, lấy hơi thì mới tiếp tục câu thứ hai. Thức ăn đưa vào miệng như cực hình. Tôi chỉ biết nhắm mắt mà nuốt, ăn mỗi ngày một ít, chia thành nhiều lần, sữa không uống nổi cũng nhắm mắt nuốt, tuyệt đối làm theo hướng dẫn của bác sĩ”.

 

Để có thể trở lại với nghề, chị tự lên cho mình một thời khoá biểu khắt khe, chấm dứt cuộc sống lãng tử ngày trước. Chị thổ lộ: “Tám giờ tối tôi đã lên giường. Sáu giờ sáng thì dậy, đi bộ. Sau phẫu thuật tôi sụt còn 39,5 ký. Bảy tháng sau, tôi đã tăng lên 46 ký. Và cơ thể coi như đã hồi phục hơn 80%, đủ để trở lại sân khấu. Tôi nghĩ rằng mình đã biết thương mình. Và điều quan trọng, một tinh thần lạc quan sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại những gì đã mất”.

 

Theo Nguyên Cao

Sài Gòn tiếp thị