Tụ cầu vàng “sát thủ” gây ngộ độc thực phẩm
(Dân trí) - Hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TPHCM thời gian qua được xác định là do thức ăn nhiễm tụ cầu vàng. Đây là loại vi sinh vật nguy hại khó bị nhiệt độ cao và men tiêu hóa phá hủy.
Ngày 21/11, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cho hay, thống kê sơ bộ từ năm 2010 đến tháng 11 năm 2018, trên địa bàn xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó ngộ độc thực phẩm do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật là 33 vụ (chiếm 61%), do độc tố 14 vụ (chiếm 26%), do hóa chất 2 vụ (chiếm 4%), không xác định được nguyên nhân 2 vụ (4%).
Trong số vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật thì ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là 14 vụ (chiếm 42%). Vụ ngộ độc gần đây nhất có quy mô 55 người xảy ra ngày 28/10 tại quận Tân Phú sau khi các giáo dân ở một nhà thờ sử dụng bánh mì được xác định do tụ cầu vàng trong chà bông gà gây ra.
Ban An toàn Thực phẩm cảnh báo tụ cầu vàng là vi khuẩn hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, không di động. Tụ cầu vàng phân bố rộng rãi trong tự nhiên, thường ký sinh trên da và niêm mạc. Ở thực phẩm giàu chất đạm, chất béo (thịt gia súc, gia cầm, cá) hoặc thực phẩm có hàm lượng nước cao, có nhiều tinh bột và nhiệt độ bảo quản thực phẩm không đảm bảo rất dễ bị nhiễm tụ cầu vàng.
Khả năng nhiễm vào thực phẩm và gây bệnh của tụ cầu vàng rất lớn, do chúng phân bố ở khắp nơi và có khả năng sinh độc tố. Độc tố của tụ cầu vàng có tính chịu nhiệt độ cao (ở 1000C phải cần 1-2 giờ mới phá hủy), nhiệt độ thấp độc tố của tụ cầu vàng có thể duy trì được tính độc trên 2 tháng. Tuy nhiên, độc tố này không làm thay đổi mùi vị của thức ăn nên rất khó nhận biết bằng cảm quan.
Tụ cầu vàng khi nhiễm vào thực phẩm khoảng 4 đến 5 giờ sẽ sản sinh ra ngoại độc tố, độc tố này không bị men tiêu hóa phá hủy. Khi người sử dụng thực phẩm nhiễm độc tố của tụ cầu vàng, độc tố này nhanh chóng thấm vào niêm mạc dạ dày, ruột vào máu dẫn đến các triệu chứng: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và chóng mặt.
Để ngăn ngừa sự nguy hại do tụ cầu vàng gây ra, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm khuyến cáo cộng đồng: không để những người bị viêm xoang, viêm mũi họng, có mụn ở tay tiếp xúc với nguyên liệu thực phẩm; chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn; “ăn chín uống chín”; ngâm kỹ rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín.
Trường hợp thức ăn sau khi nấu chuyển sang bảo quản hoặc ăn chưa hết cần đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng; không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín; rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ ô nhiễm khác; bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn; sử dụng nguồn nước sạch an toàn trong chế biến thực phẩm.
Khi chẳng may có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm phải khẩn trương thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu tại chỗ, chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị gần nhất và cung cấp thông tin cho bác sĩ, cơ quan chức năng để kịp cứu chữa và điều tra xử lý ngộ độc.
Vân Sơn