Từ bệnh nhẹ hóa ung thư gan sau 5 năm uống thuốc lá
(Dân trí) - Cách đây 5 năm, ông P.A.T, 49 tuổi, có địa chỉ tại Thái Nguyên được chẩn đoán mắc viêm gan B, sau một lần khám sức khỏe định kì do cơ quan tổ chức.
Bản thân ít khi dùng thuốc tây lại rất ngại đi bệnh viện nên ông T. nghe theo lời mách bảo của mọi người đi cắt thuốc nam để điều trị.
Trao đổi với PV Dân trí, ông T. cho biết: "Làm chung một nhà máy, rất nhiều người bị viêm gan B. Có người lên bệnh viện để điều trị, có người không điều trị vì nghĩ bệnh nhẹ, còn tôi ngại lên bệnh viện nên ai giới thiệu chỗ nào có thầy chữa viêm gan B giỏi thì tôi lại đến đó cắt thuốc".
Với suy nghĩ "có bệnh thì vái tứ phương", trong 5 năm qua, ông T. đã tìm đến nhiều thầy lang, thử qua nhiều bài thuốc với mong muốn có thể sớm chữa khỏi hẳn bệnh của mình.
Tuy nhiên, trong đợt khám sức khỏe đầu năm 2020, các bác sĩ nghi ngờ ông có khối u trong gan và khuyên bệnh nhân này nên lên bệnh viện tuyến trên để thăm khám kỹ hơn. Dẫu vậy, sau 5 năm điều trị viêm gan B bằng thuốc nam thấy sức khỏe vẫn bình thường, nên ông T. chủ quan cho rằng tình trạng của mình nhẹ và có thể tiếp tục điều trị bằng cách này.
"Sau khi được bác sĩ kết luận nghi ngờ có khối u ở gan, tôi lại nghe hàng xóm chỉ dẫn đi cắt thuốc lá của một thầy lang có tiếng. Cứ 3 ngày lại uống 1 thang thuốc", ông T. chia sẻ.
Những tưởng phương thuốc lá có hiệu nghiệm nhưng đến đợt khám sức khỏe vào cuối năm, khối u gan của ông T. ngày càng lộ rõ. Lúc này, ông T. cũng đành nghe lời bác sĩ lên Hà Nội để kiểm tra.
Ông T. nói: "Đầu năm nay, tôi đến Bệnh viện K để kiểm tra thì các bác sĩ kết luận mắc ung thư gan nguyên phát. Thông tin này khiến tôi và gia đình rất bất ngờ và hoang mang".
Vào thời điểm phát hiện, khối u của ông T. có kích thước 5cm. Tuy nhiên ông không hề bộc phát bất cứ triệu chứng cảnh báo nào.
Với trường hợp của ông T., các bác sĩ ở Bệnh viện K chỉ định nút tắc mạch và sau đó phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau thời gian hậu phẫu, ông T. được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để điều trị tình trạng xơ gan đã khá nặng.
Theo ThS.BS Mai Đình Cửu, Phó Trưởng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trường hợp các bệnh nhân viêm gan B dùng các loại thuốc nam được truyền miệng để điều trị, dẫn đến kết cục bệnh tiến triển nặng như ông T. là rất phổ biến tại Bệnh viện.
"Từ viêm gan B, sau một thời gian điều trị bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc có người tiến triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Cũng có trường hợp chủ quan sau khi điều trị theo chỉ định của bác sĩ thấy tải lượng virus xuống thấp đã tự ý bỏ thuốc, khiến virus bùng phát lên gây suy gan, diễn biến rất nhanh và nặng. Có trường hợp đã không qua khỏi", BS Cửu phân tích.
Theo chuyên gia này, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn viêm gan B mạn tính. Mục tiêu điều trị là khống chế sự phát triển của virus ở mức không gây hại cho gan. Do đó người dân cần cảnh giác với những loại thuốc được quảng cáo là có thể điều trị dứt điểm căn bệnh này.
Các loại thuốc không rõ nguồn gốc không chỉ không chữa được bệnh, mà thậm chí còn có thể chứa chất độc như chất bảo quản, nấm mốc… gây gánh nặng cho gan.
"Tất cả các chất độc dù qua con đường nào vào cơ thể đều sẽ được khử độc ở gan. Gan được ví như nhà máy sinh hóa khổng lồ của cơ thể. Khi gan bị bệnh mà chúng ta vẫn tiếp tục đưa độc chất vào đến ngưỡng gan bị quá tải sẽ tạo điều kiện thuận lợi để virus phát triển gây tổn thương gan. Những trường hợp này khi nhập viện thường đã rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao, nếu xử lý được cũng phải mất thời gian hồi phục rất lâu dài", BS Cửu nhấn mạnh.