Từ 15/8: Bộ Y tế điều chuyển vắc xin đơn vị tiêm chậm

Nam Phương

(Dân trí) - Nếu địa phương nhận một đợt phân bổ dưới 100.000 liều thì trong 3 ngày phải tiêm xong. Sau 3 ngày là chậm, Bộ Y tế sẽ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng và chủ động điều chuyển vắc xin.

Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 chiều 9/8, Bộ Y tế, đến ngày 8/8, đã có gần 10,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm trên cả nước. Tỷ lệ sử dụng đạt 67% so với số vắc xin 18 đợt, riêng vắc xin Moderna và Sinopharm chỉ tính một nửa. Trong đó có hơn 8,4 triệu người đã được tiêm một liều vắc xin và gần một triệu người tiêm đủ 2 liều.

TPHCM hiện được phân bổ gần 5 triệu liều (bao gồm cả đợt 19, 20); đã tiếp nhận 4.667.170 liều, trong đó phân bổ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP 4.258.440 liều và các đơn vị trực thuộc 408.730 liều.

Từ 15/8: Bộ Y tế điều chuyển vắc xin đơn vị tiêm chậm - 1

Thời gian vừa qua, TPHCM đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin (Ảnh: Hải Long).

Một số địa phương có tốc độ tiêm chủng vắc xin chậm như: Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Thanh Hóa...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ cho các viện, bệnh viện và địa phương khoảng trên 18 triệu liều. Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp, đánh giá của cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiêm chủng quốc gia cho thấy có tình trạng tại một số địa phương tiến độ tiêm chủng chậm so với số lượng vắc xin được phân bổ.

Theo Thứ trưởng trong khoảng một tuần trở lại đây, tốc độ tiêm vắc xin của các địa phương có nhanh hơn so với trước đó, tuy nhiên nếu tính tỷ lệ phần trăm so với số vắc xin đã được phân bổ thì vẫn thấp.

Sau ngày 15/8, Bộ Y tế chủ động điều chuyển vắc xin nếu đơn vị nào tiêm chậm

Bộ đã yêu cầu các tỉnh thành chậm nhất đến ngày 30/7 phải phê duyệt kế hoạch tổng thể tiêm chủng vắc xin trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay vẫn còn địa phương cho biết đến ngày 5/8 tỉnh mới phê duyệt.

Thứ trưởng Tuyên cũng lưu ý sau ngày 15/8 tiêm địa phương nào tiêm không hết lượng vắc xin đã được phân bổ thì Bộ Y tế chủ động điều chuyển cho các đơn vị khác.

"Lúc đó, Bộ Y tế sẽ không trao đổi lại mà sẽ căn cứ vào số liệu tồn để điều chuyển. Quan điểm là ưu tiên vắc xin cho TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam đang có dịch", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Vắc xin từ các kho của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các Viện Pasteur về địa phương sẽ do Bộ Chỉ huy quân sự của tỉnh phối hợp với Bộ Y tế để vận chuyển về địa phương. Do đó, các địa phương không lo chuyện vận chuyển vắc xin.

Việt Nam đang tiêm vắc xin miễn phí, do đó, Thứ trưởng Tuyên yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được thu bất kỳ chi phí nào liên quan đến tiêm vắc xin.

"Thủ tướng đã chỉ đạo không trông chờ, lựa chọn vắc xin mà vắc xin về đợt nào thì triển khai tiêm đợt đó; việc tổ chức tiêm chủng vaccine không để phát sinh cơ chế xin - cho, nghiêm cấm tiêu cực trong tổ chức tiêm", Thứ trưởng Tuyên nói.

Các địa phương bố trí cả điểm tiêm cố định và lưu động, càng nhiều điểm tiêm càng tốt. Đối với từng đợt vắc xin về, các địa phương cần tiêm chủng theo hình thức cuốn chiếu "vắc xin về đến đâu tiêm chủng ngay đến đó", tránh thực trạng có nơi nhận vài chục nghìn liều vắc xin nhưng tiêm cả tuần không xong.

Đồng thời, Bộ cũng không giới hạn số người tiêm trong một điểm tiêm. Một điểm tiêm không nhất nhất chỉ tiêm 100 liều/ngày mà có thể lên đến 200-300 hoặc nhiều hơn, nhưng phải đảm bảo tuân thủ chống dịch và an toàn tiêm chủng và chống tiêu cực trong tiêm chủng.

Các địa phương cũng phải xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong tiêm chủng. UBND các tỉnh, thành phải phân công một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chịu trách nhiệm về công tác tiêm vắc xin. Nếu để xảy ra chậm, tiêu cực trong tiêm chủng thì phải chịu trách nhiệm.

"Ví dụ, nếu địa phương nhận một đợt phân bổ dưới 100.000 liều thì trong 3 ngày phải tiêm xong. Sau 3 ngày là chậm, Bộ Y tế sẽ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4