TPHCM: Người bị trì hoãn tiêm vắc xin Covid-19, làm sao để tiêm lại?
(Dân trí) - Đối với những lý do trì hoãn ngắn ngày, đội tiêm hướng dẫn cho người dân có thể trở lại điểm tiêm để đánh giá, nếu tình trạng sức khỏe ổn định hoặc không còn lý do trì hoãn thì thực hiện tiêm vắc xin.
Ngày 9/8, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi các cơ sở tiêm chủng, về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân thuộc nhóm trì hoãn tiêm, hoặc cần thận trọng tiêm chủng.
Theo Sở Y tế TPHCM, trong quá trình tổ chức tiêm chủng thời gian qua ghi nhận nhiều trường hợp đến các điểm tiêm, khám sàng lọc phát hiện lý do phải trì hoãn tiêm, hoặc cần chuyển vào bệnh viện nhưng không được hướng dẫn, theo dõi và hẹn lịch tiêm tiếp theo.
Sở Y tế đề nghị lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở tiêm chủng chỉ đạo các đội tiêm, nhân viên y tế phụ trách khám sàng lọc phải xác định đúng nhóm phải trì hoãn tiêm, giải thích rõ cho người đi tiêm về nguyên nhân trì hoãn tiêm.
Đối với những lý do trì hoãn ngắn ngày (đang dùng thuốc, đang mắc bệnh cấp tính...), đội tiêm hướng dẫn cho người dân có thể trở lại điểm tiêm để đánh giá, nếu tình trạng sức khỏe ổn định hoặc không còn lý do trì hoãn thì thực hiện tiêm vắc xin.
Đối với những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng, đã có quy định có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị.
Do đó, các đơn vị tăng cường đánh giá kỹ tình trạng sức khỏe của người đến tiêm, xử trí chuyên môn để tạo điều kiện cho người dân được tiêm ngay tại chỗ.
Những người có bất thường về mạch, huyết áp, tùy theo năng lực và phạm vi chuyên môn của bác sĩ khám sàng lọc, điều kiện thực tế của điểm tiêm, có thể xử trí theo phác đồ điều trị, nếu ổn định được các chỉ số trong giới hạn cho phép thì thực hiện tiêm vắc xin.
Trường hợp tiêm tại điểm tiêm ngoài bệnh viện, nếu đội tiêm đánh giá bắt buộc chuyển tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện thì thực hiện chuyển tuyến cho người cần tiêm đến bệnh viện phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Bác sĩ phải giải thích rõ cho người dân lý do chuyển tuyến tiêm chủng và thông tin về bệnh viện sẽ được chuyển; cung cấp cho người dân một bản phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, lưu ý ghi rõ tên bệnh viện chuyển đến và lý do chuyển tiêm chủng, để làm căn cứ cho người dân đến tiêm tại bệnh viện.
Sở Y tế lưu ý các bệnh viện tích cực tiếp nhận người được chuyển tuyến và thực hiện tiêm vắc xin. Nếu ghi nhận việc chuyển tuyến không hợp lý, bệnh viện vẫn thực hiện tiêm vắc xin cho người dân, đồng thời chủ động phản hồi với trung tâm y tế nơi có người được chuyển để rút kinh nghiệm với đội tiêm.
UBND TP Thủ Đức và các quận huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, những trường hợp phải trì hoãn tiêm hoặc thận trọng tiêm chủng để người dân có thêm thông tin.
Từ ngày 22/7 đến hết 8/8, TPHCM đã tiêm được gần 2,3 triệu liều vắc xin cho các nhóm đối tượng.
Thành phố bắt đầu đợt tiêm thứ 6 từ ngày 3/8, dự kiến kéo dài đến hết tháng. Nếu được cung cấp vắc xin đầy đủ, thành phố cố gắng đạt mục tiêu tiêm cho 70% người trên 18 tuổi trong tháng này.