(Dân trí) - "Thực tế đòi hỏi chúng ta phải có sự thay đổi trong chiến lược đối phó với dịch một cách tổng thể... Phải thống nhất một quan điểm trong công tác phòng, chống dịch là không đợt dịch nào giống nhau".
Việt Nam đang trải qua đợt dịch nặng nề nhất từ trước đến nay, đặc biệt tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Số ca bệnh đã lên đến hơn 290.000 ca và điều đau lòng nhất là con số tử vong đã hơn 6000.
Điểm đáng chú ý thứ nhất trong đợt dịch này là biến chủng Delta lây lan rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn dịch đã bùng lên. Cũng vì thế, dịch nhanh chóng lan ra 62/63 tỉnh thành trên cả nước, duy nhất chỉ còn Cao Bằng chưa có ca bệnh.
Thứ hai, số mắc tăng rất nhanh, tăng đột biến, đặc biệt là "tấn công" vào nhiều nơi như: khu công nghiệp, chợ, bệnh viện, cộng đồng chung cư, chuỗi cung ứng nên càng lây lan nhanh, khắp các nơi trong cả nước. Số ca mắc mới mỗi ngày tăng kỷ lục lên 8.000, 9.000 ca; thậm chí có ngày gần đạt mốc 10.000.
Thứ ba, vì lây lan nhanh chỉ trong thời gian ngắn nên số lượng F0, F1 tăng cao dẫn đến quá tải trong hệ thống điều trị, khu cách ly tập trung.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự thay đổi trong chiến lược đối phó với dịch một cách tổng thể, linh hoạt về truy vết, xét nghiệm, cách ly F1, F0 tại nhà, về điều trị... Chúng ta phải thống nhất một quan điểm trong công tác phòng, chống dịch là không có đợt dịch nào giống nhau.
Nơi "vùng xanh" vẫn có thực hiện chiến lược truy vết. Nhưng "vùng đỏ" như TPHCM thì không thể làm được, mà thay đổi lấy phong tỏa làm cách ly, ưu tiên cho công tác điều trị. Đồng thời, đưa ra nhiều hướng dẫn khác trước như cách ly F1, F0 tại nhà, đưa ra phân tầng trong điều trị. Tất cả hệ thống y tế phải thay đổi từ cấp cứu, liên lạc, vận chuyển bệnh nhân đến các vấn đề trong điều trị, mục tiêu quan trọng là giảm số ca tử vong.
Một điều chúng ta cũng có thể thấy rõ trong đợt dịch này là diện phong tỏa rất lớn. Đầu tiên là 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, và gần đây là Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh khác. Chúng ta làm điều này để tạo vùng đệm, vùng lõi để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, khi đã thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng như thế thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đời sống với nhiều thay đổi về đi lại, giao lưu, cấm nhiều chuyến bay, vận chuyển hàng hóa tắc nghẽn… Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu kép, gây khó khăn cho mục tiêu phát triển được kinh tế.
Chưa bao giờ ngành y tế huy động một lực lượng lớn như vậy. Cả công và tư đều vào cuộc, nhiều tỉnh thành cử cán bộ y tế y tế "chia lửa" với TPHCM và các tỉnh phía Nam. Các bệnh viện lớn cũng đều dồn quân cho trận chiến tại TPHCM. Và không chỉ có ngành y mà cả hệ thống chính trị đang dồn sức để khống chế dịch.
Dịch đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nếu chúng ta làm không tốt, không triệt để việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dịch tiếp tục bùng lên thì cuộc chiến sẽ còn kéo dài và gian nan hơn rất nhiều.
Một điều chúng ta đều phải đồng lòng với nhau là việc khống chế dịch tại TPHCM và các tỉnh lân cận đòi hỏi phải có thời gian, không thể ngày một ngày hai vì dịch lan ra quá rộng. Đặc biệt, Bình Dương đang ở mức báo động, nếu không thực hiện nghiêm việc phong tỏa sẽ rất dễ rơi vào "vết xe" của TPHCM.
Trong khi đó, TPHCM cần phân tích các ca được xác định dương tính là đang ở trong khu cách ly hay trong khu phong tỏa để đánh giá hiệu quả của việc giãn cách, phong tỏa. Để đánh giá số ca dương tính trên thực tế tại cộng đồng có giảm đi một cách thực sự hay không, cũng nhận định chính xác việc triển khai các biện pháp phòng bệnh có hiệu quả hay không, cần có phân tích dịch tễ thật kỹ càng. Trên cơ sở đó, TP quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Việc xét nghiệm với số lượng lớn là cần thiết không chỉ nhằm phát hiện các trường hợp F0, từ đó khoanh vùng dập dịch, mà còn cung cấp các dữ liệu về nguy cơ. Nhưng cần có kế hoạch xét nghiệm cụ thể. Địa bàn nào xét nghiệm phục vụ cho điều trị, địa bàn nào xét nghiệm phục vụ cho xác định F0 truy vết bóc tách F0, địa bàn nào xét nghiệm phục vụ cho đánh giá nguy cơ, đánh giá hiệu quả giãn cách. Địa bàn nào, đối tượng nào sử dụng test kháng nguyên nhanh, địa bàn nào, đối tượng nào sử dụng PCR…; không xét nghiệm tràn lan vừa mất sức, không mang lại hiệu quả. Từ đó, chúng ta có thể lên được bản đồ nguy cơ đến từng địa bàn khu phố, thôn, phường, xã, quận huyện để áp dụng các biện pháp phù hợp.
Trong lúc đất nước đang khó khăn như thế này thì cần ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Và cần lưu ý làm gì để đối phó với dịch cần căn cứ trên vấn đề về dịch tễ, về chuyên môn, đánh giá tình hình dịch từ đó có chiến lược phù hợp
Hiện nay, vùng xanh là vùng an toàn, phải bảo vệ thật tốt, không để dịch lây vào trong. Với vùng đỏ phải thực hiện phong tỏa thật chặt, không để lây ra bên ngoài. Bảo vệ ở đây không phải bằng cấm đoán mà bằng sự kiểm soát chặt, thực hiện hành vi lối sống an toàn, thực hiện 5K… Cố gắng bảo vệ vùng xanh, ngày càng nhân rộng ra càng tốt.
Vì dịch vẫn còn trên thế giới, trong nước vẫn phức tạp, kéo dài. Vì thế, chúng ta vừa làm kinh tế vừa phải chống dịch. Nơi nào dịch đang diễn biến phức tạp thì phải đặt mục tiêu chống dịch lên hàng đầu. Nơi nào đỡ phức tạp thì ưu tiên làm kinh tế. Không vì khống chế dịch mà gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến kinh tế.
Về vấn đề tiêm vắc xin phải đẩy nhanh tiến độ nhưng lưu ý làm sao đảm bảo tiêm an toàn, an toàn về chống dịch, tránh tình trạng tập trung đông khi xét nghiệm, khi tiêm dễ lây nhiễm bệnh.
Vắc xin phòng Covid-19 là loại vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Và dù địa bàn nào, địa phương nào đã hết dịch, đã sống chung bình thường với dịch thì vẫn lưu ý rằng bình thường song luôn ở mức nguy cơ cao, không được chủ quan. Các biện pháp phòng chống dịch vẫn cần được tuân thủ.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam