Truy xuất ngược để xử lý phụ gia thực phẩm “bẩn”

(Dân trí) - Phụ gia thực phẩm, hóa chất công nghiệp đang bán lẫn lộn, tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng. Để ngăn chặn hóa chất công nghiệp, phụ gia không rõ nguồn gốc, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đang áp dụng hình thức truy xuất ngược nguồn gốc tại các bếp ăn.

Nguy hại từ phụ gia “trôi nổi”

Phụ gia thực phẩm là một chất khác thực phẩm (chất điều vị, ổn định, chống ô xy hóa, tạo bọt, ngọt tổng hợp, tạo đặc, làm lỏng, hương liệu, phẩm màu). Các chất này hiện diện trong thực phẩm qua khâu sản xuất, chế biến, bao gói, tồn trữ nhằm tăng thêm hương vị, kích thích vị giác, mang đến cho người dùng cảm giác ngon miệng hơn hoặc kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm.

Bên cạnh sự lưu hành của nhiều sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, trên thị trường đang bày bán lẫn lộn hóa chất công nghiệp với phụ gia thực phẩm có tính năng tạo màu, tạo mùi, vị như nhau. Vì mục đích lợi nhuận, hoặc những tiện ích trong việc tạo màu, tạo mùi, tạo vị… nguy cơ sử dụng hoặc lạm dụng hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm trôi nổi kém chất lượng đang trở thành vấn nạn, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Truy xuất ngược để xử lý phụ gia thực phẩm “bẩn” - Ảnh 1.

Hóa chất công nghiệp sẽ trở nên nguy hại nếu được sử dụng để tạo màu sắc, mùi vị cho thực phẩm

Nhiều vụ việc nghiêm trọng trong sử dụng hóa chất, phụ gia độc hại đã được cơ quan chức năng phát hiện như: Sử dụng hàn the (có chứa độc tố gây bệnh về gan, trầm cảm, sa sút trí tuệ) để giữ cho thực phẩm tươi lâu, dẻo và dai hơn; dùng phẩm màu công nghiệp để nhuộm gia cầm, tạo màu cho thịt quay, thịt nướng, tạo màu cho ớt bột, hạt dưa, bánh kẹo; chất phụ gia biến thịt heo thành thịt bò; sử dụng chất tẩy rửa công nghiệp để tạo độ sáng bóng cho thực phẩm…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tất cả các hóa chất đều độc hại đối với người và súc vật ở một liều nhất định. Khi sử dụng với liều lượng cao hơn, ngay cả đối với những hóa chất được coi là không độc, chúng cũng gây ra những hậu quả đáng ngại.

Những phân tích, xét nghiệm đã chỉ ra, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không đúng liều lượng, phụ gia có chứa hóa chất nguy hại nằm ngoài danh mục được cấp phép của Bộ Y tế sẽ gây phá hủy các chất dinh dưỡng, vitamin trong thực phẩm. Nguy hiểm hơn, phụ gia, hóa chất công nghiệp nếu bị sử dụng vào chế biến thực phẩm nguy cơ gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, gây bệnh ung thư, đột biến gen, quái thai, ảnh hưởng đến chức năng gan thận...

Truy xuất ngược để xử lý sai phạm

Hóa chất, phụ gia thực phẩm nguy hại ít có “cơ hội” tồn tại trong các bếp ăn gia đình bởi mỗi bà nội trợ đều có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân của họ. Tuy nhiên, vì mục đích lợi nhuận những người sản xuất, kinh doanh, các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn… sẵn sàng lạm dụng để tạo sự bắt mắt cho các sản phẩm thực phẩm tươi sống hoặc thực phẩm chế biến sẵn.

Truy xuất ngược để xử lý phụ gia thực phẩm “bẩn” - Ảnh 2.

Các bếp ăn tập thể sẽ bị truy suất ngược việc mua và sử dụng phụ gia thực phẩm

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cho hay: “Lâu nay, khu chợ Kim Biên đóng trên địa bàn quận 5 được xem như “chợ tử thần” là nỗi ám ảnh đối với các bà nội trợ. Tuy nhiên, Kim Biên chỉ có 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm, tất cả đều được cấp phép, đã qua nhiều lần tập huấn, chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, các đoàn liên ngành nên ý thức chấp hành trong kinh doanh của các hộ bán phụ gia thực phẩm tại đây rất cao”.

Tuy nhiên, bên cạnh 16 hộ kinh doanh trên, tại chợ Kim Biên còn hàng chục hộ khác được phép bán phụ gia, hóa chất công nghiệp. Nếu cố ý, người mua rất dễ dàng tạt qua các quầy bán hóa chất, phụ gia độc hại. Cùng một chợ nhưng phụ gia thực phẩm bán lẫn phụ gia công nghiệp thì khó tránh khỏi các nguy cơ từ sự nhầm lẫn đến cả cố ý bởi hóa chất công nghiệp cũng tạo màu, tạo mùi như phụ gia thực phẩm.

Thành phố đã có đề án xây dựng trung tâm phân phối hương liệu, phụ gia thực phẩm tại quận 8 do Sở Công thương phụ trách, tuy nhiên tiến độ thực hiện đang “ì ạch”. Những hộ kinh doanh hóa chất phụ gia công nghiệp tại chợ Kim Biên cũng thuộc quyền cấp phép, quản lý của Sở Công thương, Ban An toàn Thực phẩm không có quyền can thiệp. Mặt khác, đến nay các quy định của pháp luật mới có chế tài đối với người bán phụ gia thực phẩm và mua phụ gia thực phẩm mà chưa có chế tài đối với người bán phụ gia, hóa chất công nghiệp nếu xảy ra các vụ việc liên quan.

Để ngăn chặn nguy cơ hóa chất công nghiệp, phụ gia không rõ nguồn gốc trà trộn vào thực phẩm, PGS Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Ngoài việc giám sát chặt đối với 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên, Ban đang thực hiện giải pháp truy xuất ngược, kiểm tra việc sử dụng phụ gia thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn công nghiệp... Chúng tôi yêu cầu các cơ sở phải chứng minh được hóa đơn chứng từ có liên quan đến tất cả các phụ gia thực phẩm. Các chứng từ chỉ được chấp thuận hợp lệ khi xuất phát từ những cửa hàng kinh doanh hợp pháp. Nếu cơ sở không chứng minh được nguồn gốc phụ gia sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Vân Sơn