Trứng gà tốt hay xấu cho mỡ máu?

Hà An

(Dân trí) - Trứng có hàm lượng cholesterol cao tự nhiên. Vậy ăn trứng có làm tăng mức cholesterol?, tôi có thể ăn bao nhiêu quả trứng một tuần?

Bác sĩ Francisco Lopez-Jimenez, Mayo Clinic (Mỹ), cho biết, trứng gà là nguồn cung cấp protein và các chất dinh dưỡng khác hợp lý.

Chúng cũng có hàm lượng cholesterol cao tự nhiên. Nhưng cholesterol trong trứng dường như không làm tăng mức cholesterol như một số thực phẩm khác, chẳng hạn như những thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa.

Trứng gà tốt hay xấu cho mỡ máu? - 1

Trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu (Ảnh: N.P).

Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc ăn trứng và bệnh tim, nhưng có thể có những lý do khác dẫn đến phát hiện này. Những thực phẩm mọi người thường ăn cùng với trứng, chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích và giăm bông, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim nhiều hơn so với trứng.

Ngoài ra, cách nấu trứng và các thực phẩm khác - đặc biệt nếu chiên trong dầu hoặc bơ - có thể đóng vai trò làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hơn là chính trứng.

Hầu hết những người khỏe mạnh có thể ăn tới 7 quả trứng mỗi tuần mà không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức tiêu thụ trứng này thậm chí có thể giúp ngăn ngừa một số loại đột quỵ và tình trạng nghiêm trọng về mắt gọi là thoái hóa điểm vàng có thể dẫn đến mù lòa.

Nhưng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, một số nghiên cứu cho thấy việc ăn 7 quả trứng mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, nghiên cứu khác không tìm thấy mối liên hệ tương tự.

Theo Healthline, nghiên cứu cho thấy rằng trứng không làm tăng mức cholesterol và ăn cả quả trứng có thể làm tăng cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) bảo vệ tim, còn được gọi là cholesterol "tốt".

Ngoài ra còn có một số nghiên cứu cho thấy mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) (còn được gọi là cholesterol "xấu") có thể tăng lên khi chúng ta tăng lượng trứng tiêu thụ. Tuy nhiên, ăn 1-2 quả trứng mỗi ngày là hoàn toàn an toàn đối với những người khỏe mạnh nói chung.

Các chuyên gia y tế hiện khuyên bạn nên ăn ít cholesterol nhất có thể, nhằm duy trì lượng tiêu thụ dưới 300mg mỗi ngày. Một quả trứng lớn có khoảng 186mg cholesterol, tất cả đều được tìm thấy trong lòng đỏ.

Nếu chế độ ăn uống của bạn chứa ít cholesterol khác, theo một số nghiên cứu, ăn tối đa một quả trứng mỗi ngày có thể là một lựa chọn hợp lý.

Nếu bạn thích trứng nhưng không muốn có cholesterol, hãy chỉ dùng lòng trắng trứng. Lòng trắng trứng không chứa cholesterol nhưng vẫn chứa protein.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), người bị cao huyết áp hoặc cholesterol máu cao vẫn có thể ăn trứng. Lý do vì lecithin trong trứng có tác dụng điều hòa lượng cholesterol, ngăn ngừa tích lũy cholesterol, thúc đẩy quá trình phân tách cholesterol và đào thải các thành phần thu được ra khỏi cơ thể.

Trứng cũng chứa lượng cholesterol đáng kể (600mg cholesterol/ 100gr trứng gà). Nhưng nhờ có tương quan thuận lợi giữa lecithin và cholesterol nên lecithin sẽ phát huy vai trò điều hòa cholesterol, ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch (liên quan tới bệnh tăng huyết áp, tim mạch) và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể. 

Do vậy, người bị tăng huyết áp hay mỡ máu cao vẫn có thể ăn trứng được nhưng chỉ nên ăn 2-3 lần trong một tuần.

Theo Bệnh viện Đa khoa Medlatec, trung bình mỗi tuần người trưởng thành có thể ăn 3-4 quả trứng nhưng với trẻ em trong tuổi ăn dặm (6-7 tháng) thì không nên ăn quá 1/2 quả mỗi bữa và 2-3 quả mỗi tuần.

Trẻ 8-12 tháng tuổi mỗi bữa nên ăn 1 quả trứng nhưng tối đa mỗi tuần không quá 3 quả trứng. Trẻ 1-2 tuổi nên ăn tối đa 1 tuần không quá 4 quả trứng. Trẻ từ 2 tuổi trở lên không nên quá 6 quả một tuần.

Những người có nồng độ cholesterol trong máu cao hay bị bệnh cao huyết áp vẫn có thể ăn trứng nhưng chỉ nên duy trì số lượng 1-2 lần/ tuần.

Cách chế biến trứng tốt nhất

ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết thêm, không nên ăn trứng gà sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng mà nên luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn...

Lý do, đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là salmonella, một yếu tố gây ngộ độc thức ăn.

Ngoài ra, trong lòng trắng trứng sống còn có một chất chống lại biotin (vitamin H), cản trở hấp thu dưỡng chất này. Vì vậy, ăn trứng sống hoặc chín tái đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách chế biến trứng tốt nhất là luộc chín tới. Điều này không những bảo đảm được chất dinh dưỡng như protein, lipid, khoáng chất…, các vitamin cũng bị mất đi ít.

Cách luộc đúng là cho trứng cùng với nước lã vào nồi rồi đun sôi dần. Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa đun khoảng 2 phút rồi tắt bếp ngâm trứng khoảng 5 phút. Như vậy, trứng vừa chín tới, lòng đỏ không bị chín kỹ quá, dễ hấp thu. Lúc luộc trứng, có thể cho thêm một ít muối để giữ cho trứng không bị vỡ.

Trứng vừa lấy ở tủ lạnh ra không nên luộc ngay, không nên ngâm trong nước nóng hay luộc bằng lửa quá to vì dễ gây vỡ trứng hoặc không chín lòng đỏ.

Trứng gà tốt hay xấu cho mỡ máu? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm