1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Triệu chứng của người nhiễm biến thể Delta khác gì người nhiễm chủng khác?

Nam Phương

(Dân trí) - Biến thể Delta đang khiến nhiều nước trên thế giới đau đầu, trong đó có Việt Nam với số mắc tăng rất nhanh. Vậy các triệu chứng nhiễm bệnh liệu có gì thay đổi so với các biến chủng trước đó?

2 năm trước, hắt hơi hoặc ho không phải là nguyên nhân đáng lo ngại, nhưng giờ đây, ngay cả những triệu chứng nhẹ nhất cũng có thể khiến nhiều người tự hỏi "Tôi có bị Covid-19 không?"

Thời kỳ đầu của đại dịch, các dấu hiệu nhận biết của bệnh có thể bao gồm mất vị giác và khứu giác, sốt, ho, khó thở và mệt mỏi. Giờ đây với biến thể Delta, các triệu chứng nhiễm bệnh liệu có gì thay đổi?

Triệu chứng của người nhiễm biến thể Delta khác gì người nhiễm chủng khác? - 1

Ảnh minh họa.

Theo tờ New York Times, thực tế có rất ít dữ liệu về câu hỏi này. Biến thể Delta có khả năng lây lan gần gấp đôi so với các biến thể trước đó và cũng dễ lây lan như bệnh thủy đậu. Nó nhân lên nhanh chóng trong cơ thể, và mọi người mang theo một lượng lớn virus trong mũi và cổ họng của họ.

Tiến sĩ Andrew T. Chan, một nhà dịch tễ học và bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và là một trong những điều tra viên chính của Nghiên cứu về triệu chứng Covid-19, đã theo dõi hàng triệu người từ Anh, Hoa Kỳ và Thụy Điển thông qua một ứng dụng yêu cầu người tham gia theo dõi triệu chứng.

Theo đó, thì những người được tiêm chủng được bảo vệ tốt chống lại biến thể Delta. Nó có xu hướng tạo ra các triệu chứng nhẹ hơn và thời gian ngắn hơn, triệu chứng giống cảm lạnh thông thường.

"Chúng tôi vẫn thấy những người có biểu hiện ho, nhưng tỷ lệ người có biểu hiện như sổ mũi và hắt hơi cao hơn. Đau đầu và đau họng là những phàn nàn hàng đầu khác. Sốt và mất vị giác và khứu giác được ghi nhận ở mức độ nhẹ hơn", tiến sĩ Chan nói.

Sốt, ho, mệt mỏi, đau đầu và đau họng là "biểu hiện kinh điển của Covid-19" ở những trẻ có triệu chứng.

Tại Việt Nam, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, phân tích trên 2.359 bệnh nhân cho thấy 62% người bệnh không có triệu chứng, 21% có triệu chứng nhẹ. Khoảng 11% ở mức độ trung bình, suy hô hấp nhẹ gồm: 7% người bệnh ở mức độ trung bình, 3% có suy hô hấp, thở ôxy, 0,6% có suy hô hấp, thở ôxy gọng kính và 0,4% phải thở ôxy dòng cao HFNC.

Đặc biệt, khoảng 5% người bệnh nặng, rất nặng, nguy kịch. Trong đó, thở máy không xâm nhập chiếm 1%, thở máy xâm nhập là 3,7% và ECMO là 0,3%.

TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng cho biết tại Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ về điều này. Tuy nhiên theo nhiều cáo báo trên thế giới thì biểu hiện chung về lâm sàng của bệnh nhân nhiễm biến thể Delta không có thay đổi nhiều, vẫn là các biểu hiện ho, sốt, đau mỏi người, đau đầu, nặng hơn thì viêm phổi, suy hô hấp. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là tỷ lệ bệnh nhân bị mất khứu giác, vị giác thấp hơn so với biến chủng Alpha (được phát hiện lần đầu tiên tại Anh).

"Có đến 70-80% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng vì thế việc thống kê các biểu hiện lâm sàng cần thực hiện trên cỡ mẫu rất lớn, tỷ lệ này có sự thay đổi theo quần thể. Điều các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự khác biệt rõ nhất là tỷ lệ người có biểu hiện mất khứu giác, vị giác", BS Điển nói.

Theo Bộ Y tế, các dấu hiệu nhiễm SARS-CoV-2 nếu có gồm:

- Ho

- Sốt (trên 37,5 độ C)

- Đau đầu

- Đau họng, rát họng

- Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi

- Khó thở

- Đau ngực, tức ngực

- Đau mỏi người, đau cơ

- Mất vị giác

- Mất khứu giác

- Đau bụng, buồn nôn

- Tiêu chảy

Tự bảo vệ an toàn phòng nhiễm như thế nào

Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân cần tuân thủ 5K gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế và tiêm vắc xin khi đến lượt. 

Cụ thể: 

- Khẩu trang: Đeo khẩu trang theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. 

- Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.

- Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

- Không tụ tập đông người.

- Khai báo y tế. 

Theo chuyên gia, vắc xin phòng Covid-19 là loại vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên các chuyên gia chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Vì thế, dù đã tiêm đủ liều vắc xin, người dân vẫn cần tuyệt đối tuân thủ 5K. 

Thế giới hiện ghi nhận trên 206 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có trên 4,3 triệu trường hợp tử vong. Kể từ cuối tháng 3/2021, thế giới ghi nhận làn sóng dịch bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia khu vực Châu Á; xuất hiện biến chủng virus mới có khả năng lây lan mạnh, gây tử vong cao.

Tại Việt Nam, kể từ khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên đến nay, cả nước ghi nhận hơn 255.748 ca mắc, trong đó hơn 92.000 người khỏi bệnh và 5.088 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đã ghi nhận 252.896 ca (chiếm 99% số ca mắc từ khi có dịch tại nước ta); trong đó có 251.753 ca trong nước (99%), 89.921 người đã khỏi bệnh (35%), 5.053 ca tử vong.

Có 4/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có một tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4