Trẻ thường ốm vặt: Những điều phụ huynh cần biết | Báo Dân trí

Trẻ thường ốm vặt: Những điều phụ huynh cần biết

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ốm liên miên, tháng nào cũng một hoặc thậm chí 2, 3 lần là tình trạng chung của nhiều trẻ từ trước đến nay. Đối diện với tình trạng này, không ít phụ huynh, do không hiểu nguyên nhân, mà loay hoay mãi không biết làm sao để con không bị ốm vặt.

Trẻ thường ốm vặt, do đâu?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI, ốm vặt là tình trạng phổ biến ở trẻ dưới 4 tuổi. Khoảng thời gian này, trẻ dễ mắc phải nhất là các bệnh lý viêm đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… với các biểu hiện sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, thở khò khè, thở rít…

Trẻ thường ốm vặt: Những điều phụ huynh cần biết - 1

Trẻ dưới 4 tuổi dễ mắc phải các bệnh lý viêm đường hô hấp (Ảnh: The Well).

Tình trạng ốm vặt liên miên hay gặp ở trẻ dưới 4 tuổi chủ yếu do đây là thời điểm trẻ bước vào khoảng trống miễn dịch. 6 tháng đầu sau sinh, hệ miễn dịch của trẻ là hệ miễn dịch thụ động, được truyền từ mẹ qua nhau thai và sữa.

Sau 6 tháng, hệ miễn dịch này suy giảm, trao lại vai trò bảo vệ cơ thể cho hệ miễn dịch chủ động. Tuy nhiên, hệ miễn dịch chủ động chỉ hoàn thiện khi trẻ được 3 - 4 tuổi. Trước thời điểm đó là khoảng trống miễn dịch hay khoảng thời gian trẻ không được bảo vệ bởi đông đảo kháng thể - những "vệ sĩ" thiện chiến.

Qua 4 tuổi, tình trạng ốm vặt của trẻ sẽ cải thiện đáng kể theo cách tự nhiên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ vẫn thường xuyên viêm đường hô hấp hoặc mắc phải các vấn đề sức khỏe khác, dù đã trên 6 tuổi. Những trẻ này, hệ miễn dịch chủ động hoàn thiện chậm hơn bình thường, một phần do thiếu vi chất dinh dưỡng.

Ho kéo dài, khám sức khỏe tổng quát, bé trai được phát hiện thiếu kẽm, thiếu vitamin D

Một trong nhiều trường hợp thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến hệ miễn dịch chủ động yếu điển hình mà Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI từng tiếp nhận là bé V.Đ.L, 6 tuổi 6 tháng.

Bé được mẹ đưa đến Thu Cúc TCI khám sức khỏe tổng quát do ho đờm kéo dài. Tình trạng này đã tồn tại nhiều tháng. Ngoài ho, bé còn ăn uống kém và thỉnh thoảng chảy mũi trong, nhầy. Trước khi đến TCI, bé đã khám tại một vài phòng khám tư nhân gần nhà, được chẩn đoán viêm mũi xoang, uống thuốc có đỡ nhưng không khỏi hẳn. Mẹ bé cho biết thêm, trước đợt ho đờm kéo dài nhiều tháng này, bé đã thường xuyên ốm vặt, rối loạn giấc ngủ, trằn trọc, khó vào giấc và hay cắn móng tay.

Sau khoảng 2 giờ thực hiện nhiều hạng mục khám của gói tổng quát chuyên sâu, kết quả khám cho thấy, tại thời điểm đó, bé bị viêm mũi họng cấp, viêm phế quản cấp. Kết quả định lượng nồng độ kẽm và vitamin D trong máu thấp hơn ngưỡng bình thường.

Trẻ thường ốm vặt: Những điều phụ huynh cần biết - 2

Trẻ dưới 4 tuổi dễ mắc phải các bệnh lý viêm đường hô hấp.

Kẽm cần thiết cho sự phát triển và duy trì chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào lympho T, tế bào lympho B và đại thực bào. Vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, giúp tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch - tế bào lympho T và tế bào macrophage. Như vậy, thiếu kẽm, thiếu vitamin D làm tổn thương chức năng hệ miễn dịch, từ đó làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý viêm đường hô hấp cũng như nhiều bệnh lý khác ở trẻ.

Để tăng cường sức khỏe cho bé L., bên cạnh thuốc điều trị các tình trạng cấp tính ở thời điểm khám là viêm mũi họng cấp và viêm phế quản cấp, bác sĩ TCI còn kê bổ sung kẽm và vitamin D, đồng thời tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé.

Cải thiện tình trạng hay ốm vặt ở trẻ: Lời khuyên của chuyên gia

Tình trạng hay ốm vặt ở trẻ cần được xử lý càng sớm càng tốt. Nếu không, vòng luẩn quẩn ốm vặt - biếng ăn - thiếu vi chất dinh dưỡng - ốm vặt lặp đi lặp lại, sẽ gây ra những hậu quả ngày càng lớn, ngày càng khó khắc phục.

Hậu quả lớn nhất trẻ có thể gặp phải là chậm phát triển thể chất, chậm phát triển tinh thần - chậm phát triển toàn diện trong tương lai.

Có nhiều loại vi chất dinh dưỡng tham gia vào quá trình phát triển hệ miễn dịch. Để biết chính xác trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng gì, bố mẹ nên cho trẻ khám sức khỏe tổng quát và bổ sung vi chất dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ.

Không nên tự ý cho trẻ uống viên uống bổ sung, bởi không chỉ thiếu mà thừa vi chất dinh dưỡng cũng có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ. Bằng việc khám sức khỏe tổng quát, các nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên ốm vặt khác (ngoài thiếu vi chất dinh dưỡng) cũng có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Trẻ thường ốm vặt: Những điều phụ huynh cần biết - 3

Bố mẹ nên cho trẻ khám sức khỏe tổng quát và bổ sung vi chất dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ (Ảnh TCI).

Bên cạnh khám sức khỏe tổng quát, tiêm chủng đầy đủ cũng là cách hữu hiệu để lấp các lỗ hổng và củng cố hệ miễn dịch cho trẻ.

Sức khỏe chủ động là chuyên mục do báo Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe.

Tháng này, khoa Nhi, Thu Cúc TCI tặng tới 50% chi phí khám lâm sàng và 20% chi phí khám cận lâm sàng. Liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn hoặc xem thêm thông tin tại đây.