Trẻ mắc viêm gan C phải đối mặt với những nguy cơ nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis C virus (HCV) gây nên. Đối với trẻ em, căn bệnh diễn biến âm thầm trong suốt thời gian dài cho tới khi trưởng thành, dễ bùng phát gây xơ gan, ung thư gan.

Vì sao trẻ mắc viêm gan C?

Trẻ mắc viêm gan C phải đối mặt với những nguy cơ nào? - 1

Viêm gan C lây nhiễm qua 3 con đường: từ mẹ sang con, đường máu và quan hệ tình dục không an toàn. Tuy tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ <5% nhưng nếu mẹ bầu có lượng virus đang hoạt động mạnh hoặc người mẹ bị bệnh nhưng không hề hay biết thì khả năng lây nhiễm sang con sẽ rất cao.

Ngoài ra, trẻ em cũng có thể bị lây nhiễm qua việc truyền máu hoặc dùng dụng cụ y tế, đồ dùng sinh hoạt có dính máu của người nhiễm bệnh như: bấm móng tay, bàn chải đánh răng…Tuy nhiên, nguy cơ này khá hiếm.

Phát hiện viêm gan C ở trẻ như thế nào?

Hầu hết trẻ em nhiễm virus viêm gan C đều ở thể mạn tính (nhiễm virus trên 6 tháng) và nếu không qua xét nghiệm, rất khó để phát hiện bệnh nếu chỉ bằng triệu chứng. Những trẻ em bị nhiễm viêm gan C trong suốt nhiều năm thơ ấu đều không có triệu chứng gì cho tới khi trưởng thành, khi các dấu hiệu tổn thương gan rõ rệt cũng là lúc biết mắc viêm gan C và ở vào trạng thái nghiêm trọng.

Vấn đề quan trọng hơn là hiện nay việc điều trị bệnh còn rất khó khăn, tốn kém. Trẻ bị viêm gan C thường phải chấp nhận chung sống với virus suốt đời.

Dấu hiệu thường xảy ra sau khi virus đã tồn tại trong cơ thể một thời gian dài gồm: mệt mỏi, sốt, buồn nôn, đau vùng gan. Nhiều mẹ chủ quan không cho trẻ đi khám trong các trường hợp này vì nó khá giống với căn bệnh rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, bỏ qua các dấu hiệu này, virus gây tổn thương nặng cho gan đến xơ gan, ung thư gan thì mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt hơn như: vàng da, bụng to, vàng mắt…

Những biến chứng của bệnh viêm gan C ở trẻ

Ðặc điểm nổi bật nhất của bệnh viêm gan C là sự tiến triển rất thầm lặng, thời gian có thể kéo dài từ 10 - 30 năm, vì thế rất khó phát hiện thông qua triệu chứng và dẫn đến không điều trị kịp thời. Khi đã ở thể nặng nên những người nhiễm bệnh sẽ dễ dẫn đến các biến chứng như:

Xơ gan: Virus làm tổn hại tế bào gan khiến mô gan hình thành các sẹo, làm giảm chức năng hoạt động của gan

Ung thư gan: Một số trường hợp nguy hiểm hơn có thể dẫn đến ung thư gan.

Suy gan: Tế bào gan bị phá hủy hoàn toàn, gan bị hư hại nghiêm trọng, không thể hoạt động.

Xét nghiệm viêm gan C

Khi nghi ngờ khả năng mắc viêm gan C ở trẻ, mẹ cần đưa bé đi khám ngay để được chẩn đoán kịp thời. Bác sĩ sẽ tiến hành làm các loại xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên biệt, bao gồm: Xét nghiệm máu với test nhanh định lượng sắc tố mật trong máu (bilirubin), xét nghiệm virus viêm gan c, men gan, siêu âm gan để xem gan có bị viêm hay không bên cạnh đó còn có một số xét nghiệm đặc hiệu khác.