Trẻ mắc Covid-19 ở TPHCM cần giấy tờ gì để quay lại trường?

Q.Huy

(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM cho biết, giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 là điều kiện đối với trẻ cách ly tại nhà hoặc điều trị Covid-19 tại bệnh viện, khi quay trở lại trường học.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo), bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, cho biết, hiện nay, số trẻ em, học sinh mắc Covid-19 trên địa bàn đang tăng cao. Điều nhiều phụ huynh thắc mắc là sau điều trị, trẻ cần những giấy tờ gì để quay lại trường học.

Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, chia sẻ, khi có con em trở thành F0, phụ huynh có thể cho các cháu nhập viện nếu có triệu chứng nặng hoặc trung bình. Trẻ có triệu chứng nhẹ có thể chăm sóc, điều trị tại nhà.

Trẻ mắc Covid-19 ở TPHCM cần giấy tờ gì để quay lại trường? - 1

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM (Ảnh: N.H.).

"Đối với các em phải nhập viện, khi xuất viện sẽ có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính. Còn các trẻ điều trị tại nhà, phụ huynh cần báo ngay cho trạm y tế địa phương để thực hiện xét nghiệm vào ngày 5 và ngày 7, cấp giấy xác nhận sau thời gian cách ly hoặc điều trị. Đó là những điều kiện để các em quay lại trường", đại diện Sở Y tế TPHCM thông tin.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ tuần 13/2 đến 26/2, thành phố ghi nhận 505 ca mắc Covid-19 trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi; 1.055 ca trong độ tuổi từ 7-11; 587 ca trong độ tuổi 12-15 và 512 ca trong độ tuổi 16-18. Hiện tại, thành phố có 197 trẻ mắc Covid-19 cần điều trị nội trú, 6 ca cần thở bằng mặt nạ oxy, 3 em cần thở máy.

Tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng công tác Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, thông tin, trước tình trạng F0 tại cơ sở giáo dục gia tăng, các nhà trường cần chuyển đổi linh hoạt giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Nhà trường cần duy trì song song 2 hình thức học tập để đảm bảo yêu cầu chuyên môn.

Đối với những lớp có 2 ca F0 trở lên, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn cơ sở giáo dục phối hợp ngành y tế địa phương đánh giá yếu tố dịch tễ. Từ kết quả đánh giá, nhà trường sẽ cân nhắc chuyển đổi hình thức học tập phù hợp.

Đối với trường học có 2 lớp ghi nhận 2 ca F0 trở lên, ngành y tế, ngành giáo dục cũng tiếp tục căn cứ yếu tố dịch tễ để quyết định hình thức học tập tiếp theo.

"Việc điều chỉnh hình thức dạy học khi phát hiện F0 không đồng nghĩa là chuyển qua trực tuyến ngay mà có thể tiết chế thời gian học, hoạt động của lớp học. Việc chuyển qua trực tuyến là phương án cuối cùng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn lây lan", đại diện Sở GD&ĐT nhấn mạnh.