Trân quý tình người trong hoạn nạn
(Dân trí) - Hàng dài bệnh nhân ung thư xếp hàng nhận cơm vô cùng trật tự, không chen lấn. Người lớn tuổi thì nhớ lại cái thời “sổ gạo, tem phiếu”, mỉm cười, tự mãn: “Chao ôi! Mình cũng liệt vào hàng “Thọ” rồi”. Người trẻ thì nhận ra cuộc đời tươi đẹp biết bao…
Có liều thuốc mang tên “Tinh thần”
- “Bác ăn cơm chưa?
…Hôm nay bác có đau không?
…Tới giờ khám rồi…”
Những thanh âm sáng - trưa - chiều - tối, thậm chí tới tận đêm khuya tại khu nội trú Bệnh viện Phổi Trung ương trở nên quen thuộc. Hơn 3 năm đã trôi qua, đôi lúc giật mình tưởng chừng mới vừa hôm qua.
Họ (trong đó có Cha tôi) - những người mang trong mình căn bệnh quái ác - “Ung thư”. Họ - trước lúc có mặt tại đây có thể đã phải đấu tranh tư tưởng rất lớn với gia đình và với chính mình giữa sống hay chết, điều trị hay không điều trị, mất niềm tin, tinh thần vào cuộc sống… Họ - chưa từng quen nhau, biết tên, khác nhau độ tuổi, giới tính, dân tộc, quê quán… nhưng họ gặp nhau tại một không gian, thời điểm và cùng mang một cái tên chung là “Bệnh nhân”.
Vì cái chung phi lý ấy mà chỉ vài câu hỏi thăm, dăm ba ngụm nước trà lại trở nên thân thiết như quen tự thủa nào. Họ - chia nhau vài miếng quà quê, 2-3 người cùng nằm chung một chiếc giường vào giờ truyền dịch, lấy dùm ly nước, mua dùm bát cháo. Họ - chưa một ngày được học nghề Y, nhưng những ngày tháng nằm viện đã nhớ tên từng loại thuốc tây, thuốc ta để chia sẻ với nhau, kể về quy trình, liệu trình điều trị của mình vanh vách, rút dùm nhau mũi kim khi dịch truyền cạn đến thành thạo. Họ động viên nhau những lúc lên cơn đau, cùng rơi lệ khi lần truyền hoặc tái khám kế tiếp còn gặp lại, rồi cùng bùi ngùi khi những “gương mặt thân quen” ngày một thưa dần, tự động viên nhau “chắc ông/bà đã hết duyên trần!!!”.
Cứ thế, người cũ vơi đi, người mới lại đến, thực tại khắc nghiệt không ai mong muốn, cùng động viên nhau, cùng nhau “điều chế biệt dược” mang tên “Tinh thần” vượt qua cơn đau, vượt qua nghịch cảnh. Họ thực sự trở thành những chiến binh chiến đấu với bệnh tật đến hơi thở cuối cùng.
Có những “thiên thần” không mang áo Blouse
Suốt thời gian nội trú tại bệnh viện, chắc hẳn các bệnh nhân đã rất quen, thậm chí mong chờ đến ngày, đến giờ xếp hàng nhận thực phẩm mang tên “Từ Thiện”. Các cô, bác, anh, chị… đến từ nhiều tổ chức khác nhau, họ đến với bệnh nhân bằng tấm lòng thơm thảo, tấm lòng thiện nguyện. Những câu nói quen thuộc: “Mời các bác dùng!” “Còn ai chưa có không?”… Giá trị vật chất có thể không đáng bao nhiêu nhưng công sức, tấm lòng, giá trị tinh thần thì không thể nào đong đếm được, những gì họ làm như dòng nước mát lan tỏa, xoa dịu nỗi đau thể xác cho người bệnh.
Hàng người cứ ngày một dài nhưng vô cùng trật tự, không chen lấn. Người lớn tuổi thì nhớ lại cái thời “sổ gạo, tem phiếu”, mỉm cười, tự mãn: “Chao ôi! Mình cũng liệt vào hàng “Thọ” rồi”. Người trẻ thì nhận ra cuộc đời tươi đẹp biết bao, phải trân quý từng giây còn sống. Và rồi, trong những con người đó lại ươm thêm mầm thiện cho đời. Tôi biết, mẹ của một người chị trước khi qua đời, từng chứng kiến tình người trong lúc ốm đau, hoạn nạn, bà đã để lại di nguyện trao toàn bộ tiền phúng điếu trong chính đám tang của bà cho bếp từ thiện của một bệnh viện ung bướu và con cháu bà đã làm được điều trân quý đó!
Với bản thân tôi, chỉ trong vài tuần tạm xa rời công văn, báo cáo, những số liệu, Luật lệ khô khan; những thông tin về các loại tội phạm mà nguyên nhân phạm tội có khi hết sức giản đơn đã đẩy con người ta vào vòng lao lý, chợt nhận ra: Y tế - Bệnh viện, dù vẫn còn đó những bất cập khách quan, chủ quan có đủ, nhưng cũng là một nốt trầm trong bản nhạc hối hả, tất bật của xã hội, nơi để con người sống chậm lại và nhìn nhận ra giá trị sống trên đời!