1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Trái ngọt" của người đàn ông không có tinh trùng sau 23 năm

Nam Phương

(Dân trí) - Biết chồng bị bệnh không thể có con nhưng chị Hà vẫn quyết định đến với anh khi cả hai đã qua một lần đò. Sau đó, con gái riêng mất vì u não, chị mong muốn tìm lại phép màu trong cuộc sống.

Có mặt tại hội thảo tổng kết Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2022 diễn ra tại Hà Nội ngày 29/5, câu chuyện của vợ chồng chị Hà, anh Đạt ở Phú Thọ khiến nhiều người không khỏi xúc động. Anh Đạt bị vô sinh thứ phát sau một lần bị quai bị biến chứng teo tinh hoàn đã 23 năm. 

Cả hai lấy nhau vào năm 2016, khi đó anh và chị đều đã qua một lần đò và cũng đã có con riêng. Vì thế, biết anh có bệnh không thể sinh con nhưng chị Hà vẫn quyết định về chung một mái nhà với anh, xác định ở với nhau để bầu bạn khi tuổi già. 

Trái ngọt của người đàn ông không có tinh trùng sau 23 năm - 1

Tuy nhiên biến cố liên tục xảy ra với gia đình. Năm 2017, chị Hà phát hiện con gái bị u não, được một năm thì bé mất. Con mất khiến mọi thứ với chị như sụp đổ. Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau 14 năm, thế nhưng khi mẹ tìm được người nương tựa thì con lại bỏ ra đi. 

Chị vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh vào 10/3 âm lịch, sáng dậy cháu kêu con không nhìn thấy mẹ dù đang mở mắt. Hai vợ chồng chị thực sự sốc. Trước đó, cháu có kêu bị đau đầu, nhưng lúc đó chị chỉ nghĩ do con căng thẳng việc thi cử. Chị không ngờ con có khối u trong não, u chèn vào dây thần kinh thị giác khiến con không nhìn thấy gì.

"Di nguyện của con khi đó là mở cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Vì thế, tôi lao vào làm việc để quên đi nỗi đau mất con. Đi làm mệt quá về đến nhà đặt lưng xuống là tôi ngủ không biết gì", chị Hà kể lại. 

Thế nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại, sau đó chị bị tai nạn gãy xương ức phải nằm viện. Và đó cũng là lúc phép màu xảy ra. Chị vô tình xem được video về một gia đình ở Bắc Giang cũng có chồng mắc bệnh giống chồng mình nhưng đã có con thành công.

Trái ngọt của người đàn ông không có tinh trùng sau 23 năm - 2

Lúc này trong chị nhen nhóm lên một niềm hy vọng dù biết là mong manh. Sau đó, chị quyết định đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. 

Ngày bước chân đến bệnh viện, cả hai vợ chồng đều sợ màu áo trắng. Một phần vì trước đó con chị đã mất sau một năm ròng ra vào bệnh viện. Chồng chị trước đó cũng đã tự đi khám tại bệnh viện khác nhưng ra khỏi bệnh viện là xé hồ sơ vứt sọt rác vì thấy thất vọng.  

"Tôi cũng xác định từ trước, nếu không thành công cũng không sao. Nếu chồng không có tinh trùng mình sẽ xin tinh trùng hiến tặng, bằng cách này hay cách khác mình cũng sẽ có con. Mới đầu cả hai đều sợ sệt nhưng cuối cùng thành công đã mỉm cười", chị Hà kể lại. 

Anh Đạt được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro Tese để làm thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của vợ. May mắn trong 19 phôi thì có 10 phôi khỏe mạnh.

Trái ngọt của người đàn ông không có tinh trùng sau 23 năm - 3

Dù mọi thứ với chị Hà cũng vô vàn khó khăn vì ở tuổi 39, song lần đầu đặt IVF đã thành công. Đặt phôi được 7 ngày thì chị bị ra huyết, bị hỏng một phôi. Và dù khó khăn hạnh phúc cuối cùng cũng mỉm cười với chị. Chị sinh thường một bé gái, bé đã được 23 tháng. Hiện chị canh niêm mạc chuẩn bị chuyển phổi tiếp để sinh cháu thứ 2.

"Mình tin rằng trong cuộc sống cũng có phép màu giữa đời thường. Trong cuộc đời với nhiều màu tối của tôi cũng có điểm sáng", chị Hà chia sẻ. 

"Tôi cũng không biết nói gì hơn ngoài niềm hạnh phúc khi có con sau 23 năm bị vô sinh. Ngày vợ sinh, tôi không khóc mà một tay ôm con một tay siết thật chặt tay vợ vì mừng", anh Đạt cho biết thêm. 

Ths.BS Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc chuyên môn, kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện cho biết, Micro TESE là phương pháp can thiệp sâu để bác sĩ bóc tách từng mô tinh hoàn, tìm tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Kỹ thuật này thường được chỉ định cho các trường hợp các trường hợp nam giới vô sinh do teo tinh hoàn sau mắc quai bị, hội chứng Sertoli, hội chứng sinh tinh giữa chừng, các bất thường về gen (hay gặp nhất là đột biến mất đoạn gen AZF trên nhiễm sắc thể Y), bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter).