1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Vợ mang thai với chồng... không có tinh trùng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Dù người đàn ông không có tinh trùng, các bác sĩ vẫn giúp anh và vợ có con ruột nhờ kỹ thuật đặc biệt lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.

Ngày 13/5, đại diện Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) cho biết, nơi đây vừa cùng Bệnh viện Bình Dân chữa vô sinh thành công cho trường hợp chồng không có tinh trùng bằng kỹ thuật trị hiếm muộn lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.

Tìm con cho người cha không có tinh trùng

Trường hợp được nhắc đến là hai vợ chồng chị T.T.T.L. (SN 1991) và anh L.Q.M. (SN 1988).Theo bệnh sử, anh M. mắc hội chứng Klinefelter - một bất thường nhiễm sắc thể khiến người đàn ông không thể có tinh trùng. Điều này đồng nghĩa với việc, người chồng gần như không thể có con nếu không áp dụng quy trình ROSI (Round Spermatid Injection) - tức tiêm tinh tử (tinh trùng non tháng) vào bào tương trứng. 

Hành trình "mang con đến cho người bệnh" được bắt đầu bằng công đoạn tìm tinh trùng non tháng gian nan, do hai bệnh viện tại TPHCM phối hợp thực hiện.

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân cho biết, ông cùng cộng sự đã tiến hành việc vi phẫu tích để tìm tinh trùng bằng kỹ thuật MICRO TESE (Microdissection testicular sperm extraction).

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Vợ mang thai với chồng... không có tinh trùng - 1

Các bác sĩ tiến hành tìm tinh trùng từ tinh tử của bệnh nhân (Ảnh: BVCC).

Tỷ lệ tìm thấy tinh trùng bằng kỹ thuật này đạt trên 63%, tuy nhiên đòi hỏi về trang thiết bị hiện đại, nhân sự có chuyên môn cao. Từ tháng 5/2020, ê-kíp của Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Hùng Vương đã chính thức thực hiện ca phẫu thuật micro TESE đầu tiên, sau khi đã đánh giá về năng lực về chuyên môn, cơ sở vật chất của các bên.

Trở lại với trường hợp của anh M., sau khi xác định bệnh nhân mắc hội chứng Klinerfelter, các bác sĩ đã điều trị nội khoa đưa các chỉ số nội tiết về càng gần trị số bình thường và ổn định. Việc này phải tiến hành trước phẫu thuật tìm tinh trùng ít nhất 2 tháng để tăng tỷ lệ thành công. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được thực hiện xét nghiệm di truyền trước khi thực hiện để giúp phân loại bệnh và theo dõi sau khi thụ tinh.

"Với trường hợp anh M., trong những phôi được tạo nên, chúng tôi may mắn tìm thấy có một số phôi hoàn toàn bình thường, giúp bệnh nhân nhận được kết quả ngoài cả mong đợi" - thành viên ê-kíp điều trị cho biết.

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Vợ mang thai với chồng... không có tinh trùng - 2

Tinh trùng non tháng của người chồng kết hợp thành công với trứng của vợ (Ảnh: BVCC).

Bước đột phá "kỳ diệu" trong điều trị hiếm muộn

BS.CK2 Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, sau khi tiếp nhận ống tinh từ Bệnh viện Bình Dân, dưới kính hiển vi có độ phóng siêu lớn, các kỹ thuật viên đã tìm được những tinh trùng non còn sống tốt, sau đó tiêm vào bào tương trứng của người mẹ vừa được lấy trước đó.

"Cả bác sĩ nam học và chuyên viên phôi học phải phối hợp đồng thời. Vì trứng nếu lấy sớm, hoặc tinh trùng lấy sớm rồi đông lạnh sẽ làm giảm khả năng thành công.

Khó khăn ở chỗ phải làm thế nào để tinh trùng non (chưa đủ tuổi) có thể hòa hợp được với trứng đã trưởng thành" - chuyên viên phôi học Tăng Kim Hoàng Văn, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật ROSI cho trường hợp trên phân tích.

Kết quả thực hiện không phụ lòng các nhân viên y tế. Người vợ sau đó đã mang thai hoàn toàn khỏe mạnh và đang được theo dõi như những thai phụ bình thường khác. Ngoài ra, các bác sĩ còn trữ những phôi còn lại nhằm phục vụ cho những lần mang thai sau.

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Vợ mang thai với chồng... không có tinh trùng - 3

2 trường hợp mang thai thành công dù chồng không có tinh trùng mở ra bước đột phá cho việc điều trị hiếm muộn (Ảnh: BVCC).

Ngoài trường hợp của vợ chồng anh M. và chị L., một cặp vợ chồng khác cũng được giúp có thai thành công nhờ kỹ thuật ROSI, khi người đàn ông không có tinh trùng vì bệnh lý.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương vui mừng tâm sự, đây không chỉ là thành quả nhiều năm xây dựng và phát triển của khoa Hiếm muộn bệnh viện, mà còn mở ra niềm hy vọng mới cho các cặp vợ chồng "cầu con" tại Việt Nam. Đặc biệt đối với các trường hợp vô tinh trùng, trước đây chỉ có thể thực hiện việc có con bằng biện pháp xin tinh. Hệ quả là con sinh ra không mang gen của người cha.

Thành công trong việc "ghép đôi" tinh tử của người bố với trứng của người mẹ sẽ mở ra bước đột phá cho việc điều trị hiếm muộn trong tương lai.