1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quý ông sốc vì không có tinh trùng và hành trình đi tìm “con giống”

(Dân trí) - PGS, TS Trịnh Thế Sơn, Phó giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y cho biết, tình trạng nam giới không có tinh trùng trong tinh dịch (Azoospermia) là rối loạn sinh tinh nặng nề nhất ở nam giới. Ước tính khoảng 10 đến 20% bệnh nhân nam giới vô sinh được chẩn đoán không có tinh trùng trong tinh dịch.

Theo PGS Sơn, trong thực tế điều trị vô sinh ở nam giới, các bác sĩ gặp nhiều trường hợp nam giới không có “tinh binh”. Khi biết về tình trạng của mình, nhiều quý ông sốc bởi họ vẫn sinh hoạt tình dục đều đặn, có xuất tinh nhưng không thể ngờ “vườn không nhà trống”, không có tinh trùng trong tinh dịch.

Quý ông sốc vì không có tinh trùng và hành trình đi tìm “con giống” - 1
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thu tinh trùng bằng kính vi phẫu

Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân gây nên tình trạng vô tinh khá đa dạng bao gồm 2 nhóm nguyên nhân chính, do tắc đường đi của tinh trùng, hoặc không do tắc đường đi của tinh trùng.

“Nguyên nhân gây vô tinh do tắc chủ yếu do bẩm sinh, viêm nhiễm đường sinh dục hoặc chấn thương. Nguyên nhân gây vô sinh không do tắc chủ yếu do các bất thường về nhiễm sắc thể, rối loạn nội tiết, quai bị biến chứng, tiếp xúc với chất độc và kim loại nặng… Trước đây, nam giới vô tinh không thể có cơ hội làm cha. Hiện nay, nhờ các tiến bộ mới trong y học, bệnh nhân vô tinh có thể có cơ hội có con của chính mình”, PGS Sơn thông tin.

Tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội - một trong ba trung tâm hỗ trợ sinh sản đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ đã có nhiều thành công trong hành trình tìm “con giống” cho các quý ông, phát triển các kỹ thuật tinh trùng cho những bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch có cơ hội làm cha.

Trong đó, kỹ thuật nối ống dẫn tinh, PESA, MESA và TESE trích xuất tinh hoàn từ mào tinh và tinh hoàn được Viên Mô phôi lâm sàng Quân đội (học viện Quân Y) thực hiện đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2004.

PGS Sơn thông tin, PESA là kĩ thuật trích xuất tinh trùng từ mào tinh hoàn qua da, PESA hiệu quả cao, có thể thực hiện nhiều lần. Kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh bằng vi phẫu thuật (Microsurgical epididymal sperm aspiration-MESA) thực hiện bằng cách sau khi màng tinh hoàn mở ra, toàn bộ mào tinh được quan sát dưới kính vi phẫu 16-20 lần. sau đó mở mào tinh, hút dịch mào tinh và thu tinh trùng. Kĩ thuật TESE (testicular sperm extraction) là lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn, tinh hoàn được bộc lộ, các mẫu mô tinh hoàn sẽ được lấy ra, tách tìm tinh trùng.

Vi phẫu thuật thu tinh trùng từ tinh hoàn

PGS Sơn cho biết, nhằm tăng cơ hội cao nhất cho những nam giới không có tinh trùng được làm bố, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội đã cử nhân lực học hỏi kĩ thuật micro TESE tại Đức, thực hiện tìm tinh trùng dưới kính vi phẫu và ông là người được giao trọng trách đặc biệt trong lần này.

Quý ông sốc vì không có tinh trùng và hành trình đi tìm “con giống” - 2

BS Sơn cùng các bác sĩ ở Đại học Munster (Đức).

“Phẫu thuật thu tinh trùng là kĩ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, không những thế phải cần có cả 1 ekip để làm toàn bộ các công đoạn từ lúc phẫu thuật đến lúc tìm được tinh trùng trong labo thụ tinh ống nghiệm. Được G.S Stefan Schlatt, một trong những người rất có kinh nghiệm trong mTESE trực tiếp truyền dạy, chúng tôi đã thực hiện thành công kỹ thuật micro TESE được thực hiện dưới kính vi phẫu phóng đại 20 đến 40 lần, tìm các ống sinh tinh triển vọng đó là các ống cuộn nhiều, nằm độc lập, lớn, màu trắng đục. Kĩ thuật này làm tăng tỷ lệ thu tinh trùng, tăng số lượng tinh trùng thu được, và giảm tới 70 lần mô tinh hoàn lấy ra, và là kỹ thuật tân tiến nhất hiện nay”, BS Sơn thông tin.

Sau quá trình học hỏi, năm 2012 viện Mô phôi tiến hành làm MicroTESE đầu tiên tại Việt Nam. Từ đó kĩ thuật này trở nên thường quy của viện, hàng năm viện mô phôi đều tiến hành không dưới 300 ca trích xuất tinh trùng cho nam giới vô tinh. Và viện mô phôi cũng chuyển giao quy trình kĩ  thuật cho một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và cả nước.

Được biết, viện Mô phôi cũng đã phát triển nghiên cứu sâu hơn với đề tài cấp thành phố Hà Nội, đề tài: Ứng dụng quy trình kỹ thuật Micro TESE để thu nhận tinh trùng từ tinh hoàn của bệnh nhân vô tinh không do tắc tại Hà Nội do chủ nhiệm PGS.TS. Trịnh Thế Sơn và đồng chủ nhiệm PGS.TS. Quản Hoàng  Lâm sẽ được nghiệm thu trong thời gian tới.

PGS Sơn khuyến cáo, vợ chồng giới nếu có quan hệ tình dục bình thường, trong 6 tháng đến 1 năm vẫn không thể thụ thai nên được đi khám sớm để phát hiện, chữa trị các bệnh lý dẫn đến vô sinh.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm