1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Nhân lực y tế công cộng “vừa thiếu vừa yếu”

(Dân trí) - “Hầu hết cán bộ y tế làm việc tại cơ sở y tế dự phòng, y tế công cộng là do không thể làm được ở các đơn vị điều trị. Chúng tôi buộc phải tuyển cán bộ “không giỏi” nhưng họ lại sẵn sàng ra đi khi có điều kiện”.

Ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội y tế công cộng thành phố, chia sẻ những khó khăn đơn vị này chưa tìm được lối thoát. Theo ông Giang, hệ thống y tế công cộng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dòng chảy khủng hoảng nhân lực, điều đó bị chi phối bởi thu nhập của y tế công cộng quá thấp khiến những người có trình độ chuyên môn đều tìm cách chuyển sang hệ thống y tế điều trị.

Người dân đang gánh hậu quả từ sự yếu kém của y tế công cộng 
Người dân đang gánh hậu quả từ sự yếu kém của y tế công cộng 

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng nhìn vào cơ cấu nguồn nhân sự của hai lĩnh vực “phòng” và “chữa” trong ngành y tại TPHCM hiện nay cho thấy quá nhiều bất cập. Tổng số biên chế của hệ thống y tế công cộng chỉ chiếm 14% so với tổng lao động công lập toàn ngành. Trung bình 2,6 cán bộ y tế tại phường xã đang phải gánh trên vai 1 vạn dân, con số này đã tồn tại hơn 3 năm qua, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 7,5 cán bộ y tế.

Ông Trường Giang cho biết: “Quốc hội đề ra khoản đầu tư cho y tế công cộng chiếm khoảng 30% tổng đầu tư cho sự nghiệp y tế, nhưng giai đoạn từ 2009 đến 2012 ngân sách chi cho y tế công cộng tại TPHCM chỉ đạt mức bình quân 25,8%”. Kinh phí được cấp không đủ chi, cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện thực địa quá thiếu và lạc hậu đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phòng chống dịch của các Trung tâm Y tế Dự phòng.

Không được cấp giấy chứng nhận hành nghề khám chữa bệnh nên cán bộ y tế công cộng không đủ điều kiện làm thêm cho cơ sở y tế tư nhân, mở phòng khám ngoài giờ… khiến thu nhập thực tế của những người hoạt động trong lĩnh vực này thấp hơn nhiều so với cán bộ y tế điều trị. Thực tế trên dẫn đến hệ quả y tế công cộng chỉ tuyển được những cán bộ yếu kém không đủ điều kiện làm việc tại các đơn vị điều trị nhưng khi đã cứng nghề họ lại sẵn sàng ra đi vì miếng cơm manh áo. Sự chênh lệch giữa y tế dự phòng và y tế điều trị cho thấy ngành y tế đang phát triển ngược với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Vân Sơn