TPHCM: Bệnh tay chân miệng tấn công trường học
(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay trên địa bàn TPHCM có 3 trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra, loại bệnh nguy hiểm này cũng đã tấn công vào nhiều trường học khiến nguy cơ lây nhiễm tăng cao.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, mỗi ngày tiếp nhận hơn 60 ca nhiễm bệnh từ thành phố và các tỉnh lân cận nhập viện điều trị nội trú. Nhiều phụ huynh chưa ý thức được sự nguy hiểm của loại bệnh này, đưa trẻ nhập viện trễ khiến các bé gặp phải những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.
Nhận định tình hình dịch bệnh còn kéo dài, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng đề nghị các quận huyện tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh và khử khuẩn môi trường, phát dung dịch chloraminB cho các hộ gia đình có nguy cơ mắc bệnh.
Đối với các trường mầm non, có trẻ nhiễm bệnh theo chỉ đạo của BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế: Dứt khoát không để trẻ bị bệnh đến trường, trung tâm y tế nơi có dịch bệnh xảy ra phải hướng dẫn nhà trường khử khuẩn hàng tuần theo đúng quy trình kỹ thuật, lập sổ theo dõi việc “làm sạch, vệ sinh, khử khuẩn” nhằm kiểm soát chặc chẽ việc phòng tránh dịch bệnh có thể lây lan.
Sở Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy trẻ sốt cao từ 39 độ C trở lên kèm theo các triệu chứng thở mệt, giật mình, run chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt. Hoặc các biểu hiện nặng hơn như co giật, hôn mê, yếu chi, da nổi mẫn, bóng nước… phải đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng xảy ra nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Để phòng tránh bệnh lây lan, cần phải giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, sau khi thay quần áo, tã, hoặc tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt cần phải rửa tay bằng xà bông. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Với những trẻ bị nhiễm bệnh cần cách ly trong tuần đầu tiên, nếu các bé đang đi nhà trẻ cần cho nghỉ từ 5 - 7 ngày.
Ly Uyên