TPHCM: Đạt chỉ tiêu tiêm vét nhưng dịch sởi chưa giảm
(Dân trí) - Đến ngày 27/4, toàn thành phố đã có hơn 95 nghìn trẻ được tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi. Số trẻ được tiêm vét bước đầu đạt chỉ tiêu đề ra nhưng dịch bệnh lại gia tăng. Bộ Trưởng yêu cầu thành phố phân loại cách li để tránh nhiễm chéo giữa các bệnh nhân.
Ngày 28/4, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn đã có buổi thị sát về tình hình dịch sởi tại hai bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện quận Bình Tân. Thực tế khảo sát ghi nhận bệnh nhân mắc sởi đến khám và điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn chưa giảm, khoa nhiễm của bệnh viện đang tập trung điều trị chủ yếu cho bệnh nhân sởi, số bệnh đông nên mỗi giường phải nằm ghép từ 2 - 3 trẻ.
Tại khoa khám bệnh của Nhi Đồng 1, bệnh nhân đến khám vẫn chưa được phân loại theo lứa tuổi, biểu hiện triệu chứng của bệnh. Người nhà, bệnh nhi ngồi chen chúc chờ khám khiến nguy cơ lây bệnh gia tăng. Tuy nhiên, tại bệnh viện quận Bình Tân thời điểm cùng ngày chỉ có 5 bệnh nhân phải nằm viện điều trị, khoa khám bệnh cũng thưa thớt. Dù ngành Y tế đã khuyến cáo bệnh sởi không cần thiết phải nhập viện và bệnh viện tuyến cơ sở có đủ khả năng để điều trị sởi nhưng, thực tế trên cho thấy bệnh nhi mắc sởi vẫn đổ xô đến khám và điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối.
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, sau 8 tuần thực hiện tiêm vét vắc-xin ngừa sởi, thành phố đã tiêm cho hơn 95.700 trẻ. So với mục tiêu ban đầu đề ra là 100.000 trẻ, con số trên bước đầu đạt được chỉ tiêu. Trước khi Bộ Y tế có quyết định về việc tiêm miễn phí vắc-xin ngừa sởi cho trẻ từ 3 đến 10 tuổi, thành phố đã thực hiện chiến dịch tiêm cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Trên cơ sở quyết định của Bộ, BS Trí Dũng cho biết sẽ cân đối lại nguồn cung ứng vắc-xin để đáp ứng đủ cho nhu cầu chích ngừa của trẻ.
Hiện, trên địa bàn thành phố chưa có bệnh nhân tử vong vì mắc sởi. Kế hoạch chích ngừa đã bước đầu đạt được mục tiêu đề ra nhưng trên thực tế, bệnh nhân mắc sởi tại TPHCM trong tuần qua có biểu hiện gia tăng (140 ca mắc mới) so với tuần trước (khoảng hơn 120 ca). Các bác sĩ nhận định, tình trạng trên là do một số trẻ đã mang mầm bệnh trước khi tiêm ngừa nên vẫn bị nhiễm bệnh, mặt khác dân số cơ học của thành phố liên tục biến động nên gây khó cho công tác phòng bệnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện chú ý công tác sàng lọc bệnh nhân ngay từ bàn khám bệnh. Tư vấn để người dân hiểu, bệnh sởi nhẹ chỉ cần chăm sóc cách ly tại nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ, không nhất thiết phải nhập viện. “Không thể kéo dài tình trạng bệnh nhi dồn về bệnh viện Nhi Đồng 1 lên tới 5.000 - 6.000 bệnh nhi mỗi ngày như hiện nay bởi nguy cơ lây nhiễm chéo, gây dịch sởi trong bệnh viện là rất nguy hiểm”.
Trước nguy cơ cán bộ y tế có thể trở thành đối tượng tấn công của dịch bệnh hoặc nguồn trung chuyển dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị y bác sĩ, nhân viên làm việc tại các bệnh viện phải được tiêm ngừa bệnh sởi, đồng thời tăng cường vệ sinh khử khuẩn để phòng tránh lây nhiễm. Để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh sởi trong bệnh viện, Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện thực hiện phân luồng theo độ tuổi, triệu chứng bệnh ngay khi bệnh nhân đến khám. Nếu bệnh nhân trong diện phải nhập viện thì cần được sắp xếp đi lại ở một khu vực riêng, không đi chung với bệnh nhân thường, tránh tối đa việc lây nhiễm chéo.
Bộ trưởng yêu cầu ngành Y tế Dự phòng cần tăng cường thêm số lượng các buổi tiêm chủng sởi tại các điểm tiêm phòng “việc tiêm chủng chỉ thực hiện trong hai buổi thứ sáu và thứ 7 là chưa đủ”. Thành phố phải tiếp tục phối hợp xã phường, rà soát các trường hợp trẻ chưa tiêm ngừa sởi; ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các địa phương cần phân công, phân nhiệm rõ ràng, cùng cả nước nhanh chóng chấm dứt lây lan bệnh sởi, không để bệnh sởi trở thành gánh nặng cho cộng đồng.
Vân Sơn - Ngọc Nhung