TPHCM có hơn 1 triệu người cao tuổi, báo động tình trạng "ngại đẻ"
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Cục Dân số, TPHCM hiện có hơn 1 triệu người cao tuổi, chiếm đến 11% tổng số dân ở địa phương. Trong khi đó, mức sinh lại thấp đến báo động.
Tại Hội nghị Kỷ niệm 62 năm ngày Dân số Việt Nam (26/12) và Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cung cấp các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, diễn ra ở TPHCM ngày 10/12, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, công tác dân số của TPHCM trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng.
TPHCM đã huy động được sự vào cuộc của các ngành và sự đồng thuận của nhân dân thực hiện các chính sách dân số trong tình hình mới. Kế đến, có những sáng kiến đổi mới về nội dung, phương thức truyền thông trong bối cảnh kinh tế - xã hội.
Địa phương cũng triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước/sau sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Ông Hoàng nhấn mạnh chỉ số rất quan trọng về sự thành công trong việc nâng cao chất lượng dân số của TPHCM, là việc tuổi thọ trung bình của người dân lên đến 76,3 tuổi (2022), khá cao so với mặt bằng chung cả nước (73,6 tuổi).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TPHCM cũng còn những khó khăn, thách thức của công tác dân số. Đó là quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng trong khi mức sinh hiện ở mức rất thấp.
Tổng tỷ suất sinh của TPHCM trong các năm 2022 và 2023 lần lượt là 1,39 con và 1,42 con. Số liệu này tiếp tục báo động về tình trạng mức sinh rất thấp của địa phương.
Kế đến, sự già hóa dân số ở TPHCM diễn ra nhanh. Hiện nay, TPHCM có hơn 1 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 11% tổng số dân, cần phải đầu tư nguồn lực tương ứng. Một vấn đề khác là việc di dân tự do lớn, đòi hỏi cần có những biện pháp để người di cư được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, ngoài báo động về tình trạng mức sinh rất thấp, nội dung về nâng cao chất lượng dân số khi triển khai thực hiện ở địa phương chưa có sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần cho người dân.
Việc dân số đông, biến động dân cư rất lớn, phân bố dân cư không đều, tốc độ đô thị hóa nhanh và các vấn đề liên quan đến dân số, phát triển như nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh… là những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về dân số ở TPHCM.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM kêu gọi các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân chung tay tập trung triển khai một số nội dung.
Thứ nhất, có các giải pháp cụ thể trong hoạch định chính sách và tăng cường đầu tư cho công tác dân số trong tình hình mới. Thứ hai, chủ động ứng phó linh hoạt với mức sinh thấp tại Thành phố, nỗ lực chuyển tải thông điệp "mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" đến từng người dân.
Thứ ba, tích cực tuyên truyền, vận động mọi thanh niên về sự cần thiết của việc tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước kết hôn, thực hiện trách nhiệm đối với tương lai hạnh phúc gia đình của mình và toàn xã hội. Thứ tư, tiếp tục phát huy những lợi thế của công tác truyền thông, giáo dục về dân số.
Ông Châu giao nhiệm vụ cho Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình khẩn trương tham mưu cho Sở Y tế trình Hội đồng Nhân dân Nghị quyết về chính sách Dân số và Phát triển tại TPHCM trong năm 2024.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị các quận - huyện thực hiện củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, đặc biệt là cấp phường, xã; cần đầu tư kinh phí, tăng cường vận động xã hội hóa cho việc triển khai các hoạt động công tác dân số ở cơ sở.
Tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) chia sẻ, năm 2023, TPHCM có 1.177 cặp thanh niên tự nguyện tham gia thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng 24% so với năm 2022.
Dù vậy, hoạt động tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn tại địa phương vẫn còn gặp khó khăn, xuất phát từ việc người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, nên thiếu sự chủ động và sẵn sàng khi tham gia chương trình.
Trong tháng hành động quốc gia về dân số năm nay, với chủ đề "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước", Bệnh viện Hùng Vương đã phối hợp cùng với Thành Đoàn TPHCM và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp đôi nam, nữ thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa.
Trải qua 2 tuần, Bệnh viện Hùng Vương đã khám và tư vấn cho hơn 150 cặp đôi trước hôn nhân. Hoạt động này thể hiện sự cam kết, chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong triển khai thực hiện các mục tiêu dân số và phát triển của TPHCM.