1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Báo động tình trạng người Việt ở các đô thị lớn “ngại đẻ”

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, có đến 21 tỉnh, thành phố ở nước ta, hầu hết đều là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có mức sinh thấp.

Các khu vực phát triển có mức sinh thấp

Tại hội thảo Cung cấp Thông tin Định hướng mới của Chương trình Dân số Việt Nam, ông Mai Trung Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế nhận định giữa các vùng, địa phương trên cả nước vẫn có sự khác biệt đáng kể về mức sinh.

Báo động tình trạng người Việt ở các đô thị lớn “ngại đẻ” - 1

Ông Mai Trung Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Đáng chú ý, ở khu vực khó khăn lại có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi đó khu vực đô thị, kinh tế xã hội phát triển hầu như đều có mức sinh thấp, có nơi rất thấp. Thực trạng này đang ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dân số, nói rộng ra là sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Cụ thể, có 33 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có mức sinh cao (mức sinh > 2,2 con), chiếm 42% quy mô dân số. Đây hầu hết là các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như trung du và miền núi phía Bắc; miền Trung - Tây Nguyên.

21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (mức sinh < 2,0 con), chiếm 39% quy mô dân số. Số này tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ở Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đến 5 thành phố trực thuộc trung ương. Đáng nói, mức sinh ở thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, lại ở nhóm thấp nhất cả nước (mức sinh: 1,39 con).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mức sinh “lệch chuẩn”

Ông Mai Trung Sơn nhận định có nhiều nguyên nhân của tình trạng mức sinh “lệch chuẩn”. Mức sinh thấp là do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. Tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ. Bên cạnh đó, học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh.

Báo động tình trạng người Việt ở các đô thị lớn “ngại đẻ” - 2

“Đáng chú ý, tình trạng phá thai ở mức đáng báo động ở nước ta, vốn là một trong những nguyên nhân gây vô sinh thứ phát, cũng đang dẫn đến mức sinh thấp”, ông Sơn nhấn mạnh.

Mức sinh cao do ảnh hưởng của văn hóa, phong tục tập quán và bất bình đẳng giới; xu hướng sinh nhiều con để có nhân lực tham gia lao động, sản xuất và phụng dưỡng, chăm sóc gia đình; tuổi kết hôn sớm và khoảng cách sinh con ngắn...

Nhiều hệ lụy từ mức sinh “lệch chuẩn”

Theo ông Sơn, mức sinh cao tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục,… của địa phương.

Trong khi đó, ở các khu vực có mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ...

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn”, ông Sơn phân tích.

Từ thực trạng nêu trên, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh về sự cần thiết của việc điều chỉnh mức sinh.

“Duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực phát triển đất nước”, ông nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm