TPHCM: Bệnh tay chân miệng tiếp tục "hoành hành", sốt xuất huyết gia tăng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong tuần 25, bệnh nhân tay chân miệng trên địa bàn TPHCM tiếp tục tăng nhanh. Cả số ca mắc và nhập viện đều tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước.

Ngày 29/6, Sở Y tế TPHCM cho biết, số ca bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn đang tiếp tục tăng nhanh.

Theo đó, trong tuần 25, TPHCM có 779 bệnh nhân mới, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước. Số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú tăng lần lượt 1,8 lần và 2,8 lần. 

Tính từ đầu năm đến nay, TPHCM đã ghi nhận 3.736 ca TCM, thấp hơn gần 48% so với cùng kỳ năm 2022.

Về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong tuần 25, có 197 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca mắc tích lũy đến tuần 25 là gần 8.300 ca, thấp hơn 53% so cùng kỳ năm 2022, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Trong tuần, có 12/22 quận huyện và 23/312 phường xã có số ca bệnh sốt xuất huyết tăng so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

TPHCM: Bệnh tay chân miệng tiếp tục hoành hành, sốt xuất huyết gia tăng - 1

Bệnh nhân tay chân miệng nặng, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: KD).

Để phòng, chống các dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã tiếp tục tăng cường giám sát các điểm nguy cơ, hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Trong tuần qua, HCDC đã phát hiện có 12 điểm có lăng quăng (tại quận 12, quận 4, quận 7, quận 11, quận 1, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức). Sở Y tế đã thông tin cho UBND quận huyện biết để chỉ đạo, kiểm tra giám sát các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

HCDC cũng tăng cường giám sát những hoạt động phòng, chống TCM tại cộng đồng, các trường học, trường mầm non công lập và tư thục và nhóm trẻ trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hoạt động truyền thông.

Cơ quan y tế khuyến cáo, để phòng chống các dịch bệnh, trẻ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.

Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Đặc biệt, phải theo dõi sát khi trẻ bệnh, để phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng.

Theo Viện Pasteur TPHCM, bệnh TCM chưa có biện pháp điều trị và phòng chống đặc hiệu. Bệnh tập trung ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi), thường lây nhanh qua đường tiêu hóa.

Có đến 80% người lớn mắc TCM không có biểu hiện lâm sàng, lây cho con, cháu. Mặt khác, mật độ dân số cao, sống chật chội, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, tạo điều kiện cho bệnh lây lan.

Ngoài ra, khí hậu nóng ẩm của miền Nam, bối cảnh giao lưu đi lại dễ dàng, biến động dân số mạnh trong điều kiện mầm bệnh luôn có sẵn, khiến bệnh TCM dễ dàng lây lan.

Hiện nay, bệnh TCM chưa có vaccine. Cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản là đảm bảo 3 sạch, bao gồm "ăn uống sạch", "ở sạch", "bàn tay và đồ chơi sạch" cho cả trẻ em, người lớn và người chăm sóc trẻ.