TPHCM: Bé trai 13 tháng tuổi nghẹt thở nguy kịch sau khi ăn bánh flan
(Dân trí) - Sau khi ăn bánh flan, bé trai bất ngờ tím tái môi, toàn thân đỏ ửng, nghẹt thở khiến người mẹ hốt hoảng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Sáng 11/1, chị D. (30 tuổi) hốt hoảng ẵm con trai là bé M.H. (13 tháng tuổi) trong tình trạng tím tái môi, toàn thân đỏ ửng, huyết áp tụt, khò khè, thở rít từng cơn đến bệnh viện ở TPHCM cấp cứu.
Theo lời của người mẹ, cách nhập viện 2 tiếng, con chị có ăn 2 muỗng bánh flan có lòng trắng trứng. Từ bệnh sử và tiến hành thăm khám, bác sĩ Hồng Văn In, người tiếp nhận điều trị xác định bé H. bị sốc phản vệ độ 3. Bệnh nhi được chỉ định truyền adrenaline theo phác đồ của Bộ Y tế.
Sau 10 phút, da bé giảm ửng đỏ, môi hồng hào, thở đều trở lại, được tiếp tục truyền dịch, nâng huyết áp. Trải qua 24 giờ theo dõi, mạch và huyết áp ổn định, bé tỉnh táo lại trong sự thở phào nhẹ nhõm của gia đình.
Kể với bác sĩ, chị D. chia sẻ từ lúc mới sinh, bé đã có biểu hiện nổi mề đay, nôn trớ sau khi bú sữa mẹ, được bác sĩ cho biết có cơ địa dị ứng, phải dùng sữa công thức riêng. Khi 6 tháng tuổi, bé cũng có biểu hiện dị ứng hải sản và lòng trắng trứng.
Đến thời điểm bé 12 tháng tuổi, người mẹ có tham khảo thông tin từ các diễn đàn chăm sóc con nên đã tập cho bé ăn dần các món làm từ trứng, hải sản để cơ thể dần quen.
Ngày xảy ra sự việc, chị D. nghĩ con đã lớn không còn dị ứng với lòng trắng trứng, nên cho con ăn bánh flan. Tuy nhiên, bé đã nổi mề đay toàn thân, ngứa và gãi liên tục đến trầy da, không cải thiện tình trạng dù đã được uống 1 viên thuốc kháng dị ứng tại nhà.
Theo bác sĩ In, lòng trắng trứng có chứa Albumin, là thực phẩm có thể gây dị ứng ở một số người có cơ địa dị ứng thành phần này. Các triệu chứng dị ứng gồm nổi mề đay, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, chuột rút, buồn nôn, nôn… Đặc biệt, ở các bé có cơ địa dị ứng, chàm sơ sinh, phản ứng dị ứng càng nghiêm trọng, khiến bệnh nhi dễ rơi vào sốc phản vệ (đỏ toàn thân, tức ngực, khó thở, tụt huyết áp…), thậm chí có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên tập cho bé ăn các thức ăn đã có tiền sử dị ứng. Thực tế, sẽ có trẻ đến một độ tuổi nào đó hết dị ứng một hay nhiều loại thực phẩm, nhưng có trẻ vẫn dị ứng suốt đời, và các lần dị ứng sau nghiêm trọng hơn lần trước.
"Cha mẹ cần kỹ lưỡng khi chọn thực phẩm cho bé có cơ địa dị ứng. Trong chế biến món ăn hàng ngày, mẹ không nên nấu món ăn cho bé chung xoong nồi có dính các thực phẩm gây dị ứng.
Nếu trẻ có biểu hiện dị ứng như nổi mề đay, da ửng đỏ, không nên tự ý dùng thuốc mà cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.