1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM 14/9: Số F0 tăng nhẹ, chuẩn bị thí điểm "mã QR xanh"

Thế Anh

(Dân trí) - TPHCM sẽ thí điểm dùng một phần mềm duy nhất cung cấp mã QR cho người dân, trong đó có thông tin về khai báo y tế, tiêm chủng vắc xin, kết quả xét nghiệm, theo dõi sức khỏe...

Tính từ 17h ngày 13/9 đến 17h ngày 14/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới, trong đó TPHCM có 6.312 trường hợp, tăng 866 ca so với hôm qua.

Thủ tướng đồng ý cho TPHCM giãn cách xã hội thêm 2 tuần theo Chỉ thị 16

Chiều 14/9, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị đề cập đến nội dung đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn sau 3 tuần siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội và thảo luận, đưa ra phương hướng cho khoảng thời gian sau ngày 15/9.

TPHCM 14/9: Số F0 tăng nhẹ, chuẩn bị thí điểm mã QR xanh - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh giao cho địa bàn cần phấn đầu kiểm soát dịch trước ngày 15/8, đồng thời giao Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí để đạt kết quả này. Khi đối chiếu, chỉ một số địa phương của TPHCM đạt được tiêu chí đó.

"Trong sáng 14/9, lãnh đạo TPHCM đã xin ý kiến và được Thủ tướng thống nhất tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần", ông Nguyễn Văn Nên thông tin.

Theo đó, Thủ tướng cũng thống nhất, các địa phương kiểm soát được dịch bệnh có thể từng bước nới lỏng. Tuy nhiên, việc nới lỏng cần thực hiện theo nguyên tắc "an toàn là trên hết", những nơi chưa đạt các tiêu chí đề ra cần tiếp tục phấn đấu.

Các địa phương đủ điều kiện để nới lỏng sẽ chủ động thực hiện theo thẩm quyền. Cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức là nơi ra quyết định nới lỏng giãn cách.

Xem thêm: Thủ tướng đồng ý cho TPHCM giãn cách xã hội thêm 2 tuần theo Chỉ thị 16

Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ áp dụng "mã QR xanh" như thế nào?

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM vừa có văn bản gửi UBND Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao về việc triển khai thí điểm nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn.

Ứng dụng dựa trên nguyên tắc phát triển nền tảng khai báo điện tử của TPHCM thành nền tảng ứng dụng thống nhất phục vụ người dân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

TPHCM 14/9: Số F0 tăng nhẹ, chuẩn bị thí điểm mã QR xanh - 2

TPHCM thí điểm dùng một ứng dụng thống nhất phục vụ các hoạt động tại 3 quận, huyện đã kiểm soát được dịch Covid-19.

Trong đó, nền tảng này sẽ liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế. Người dân sẽ sử dụng mã QR cá nhân thống nhất, dùng chung giữa các ứng dụng như Bluezone, NCOVI, VHD, VNEID.

Khi triển khai thực hiện, người dân sẽ được cấp mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh. Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh thì sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại.

Các thông tin chính gắn với mã QR cá nhân được cấp gồm thông tin về khai báo y tế, thông tin lịch sử tiêm chủng vắc xin Covid-19, kết quả xét nghiệm Covid-19, thông tin theo dõi sức khỏe tại nhà đối với các F0 cách ly tại nhà.

Xem thêm: Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ áp dụng "mã QR xanh" như thế nào?

Chấn chỉnh ngay việc từ chối tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho dân

Ngày 14/9, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã ký công văn khẩn gửi chính quyền các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, trung tâm y tế, phòng y tế, đơn vị tiêm chủng các địa phương về việc khắc phục hạn chế trong tiêm chủng vắc xin Covid-19.

TPHCM 14/9: Số F0 tăng nhẹ, chuẩn bị thí điểm mã QR xanh - 3

TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng hướng tới việc bao phủ vắc xin cho toàn bộ người trên 18 tuổi.

Sở Y tế cho biết, qua giám sát thực tế điểm tiêm và phản ánh của người dân, đơn vị ghi nhận một số hạn chế như điểm tiêm có số lượng người dân ra tiêm rất ít dẫn đến năng suất mũi tiêm thấp. Cụ thể, một số nơi từ chối tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân nếu mũi một tiêm tại địa phương khác.

Từ thực trạng trên, Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các cơ sở y tế nhắc nhở các đơn vị tiêm chủng không từ chối tiêm mũi 2 cho người dân trong trường hợp mũi một được tiêm ở địa phương khác. Các đơn vị tiêm chủng tiếp tục duy trì các đội tiêm đã thành lập, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu điều động thêm nhằm đạt độ bao phủ một toàn dân vắc xin mũi một và tiếp tục tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian theo quy định của từng loại vắc xin.

UBND thành phố Thủ Đức cùng các quận, huyện cần duy trì, vận hành tốt các điểm tiêm chủng sẵn có, tiếp tục huy động lực lượng để đảm bảo đạt 200-250 liều/ngày/đội tiêm.

Xem thêm: TPHCM: Chấn chỉnh ngay việc từ chối tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho dân