Diễn biến dịch TPHCM 13/9: Số ca mắc mới liên tục giảm

Thế Anh

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết từ ngày 15/9 đến cuối tháng 9, về cơ bản, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.

Tính từ 17h ngày 12/9 đến 17h ngày 13/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.172 ca nhiễm mới, trong đó TPHCM có 5.446 trường hợp, giảm 712 ca so với hôm qua.

Tiếp tục giãn cách xã hội đến cuối tháng 9

Chiều 13/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Buổi họp có sự tham dự của một số lãnh đạo sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Buổi họp báo sẽ cung cấp các thông tin về tình hình dịch Covid-19 những ngày qua, những định hướng chống dịch của thành phố sau ngày 15/9.

Diễn biến dịch TPHCM 13/9: Số ca mắc mới liên tục giảm - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM tại buổi họp báo chiều 13/9 (Ảnh: Hữu Khoa).

"Từ nay đến cuối tháng 9, TPHCM sẽ tập trung các hoạt động củng cố các kết quả, trong đó tập trung cho tiêm vắc xin. Thành phố tập trung tiêm tỷ lệ cao nhất, phấn đấu đạt gần 100% nhất, cùng với đó là đẩy mạnh tiêm mũi 2 để tiêm tất cả trường hợp đủ thời gian tiêm mũi 2, nhằm đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin.

Thành phố xác định đây là điều kiện để chúng ta nhanh chóng mở lại các hoạt động bình thường về kinh tế xã hội. Thứ 2, TP sẽ tập trung củng cố năng lực hệ thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở, củng cố trạm y tế lưu động, cố định, phường, xã. Thành phố đồng thời quan tâm đầu tư thêm y tế dự phòng, y tế công cộng làm sao song song tăng cường mở rộng điều trị, nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị", Chủ tịch UBND TPHCM nói.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, khi mở lại hoạt động thì độ bao phủ vắc xin, năng lực y tế rất quan trọng để đủ sức giải quyết các vấn đề về dịch bệnh phát sinh.

Xem thêm: TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội đến cuối tháng 9

Xin rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca

Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và báo cáo UBND TPHCM về việc xin rút ngắn thời gian giữa 2 mũi vắc xin Covid-19 AstraZeneca. Cụ thể, Sở Y tế đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế xem xét và có ý kiến về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vắc xin AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 trước đó, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc xin AstraZeneca là từ 8-12 tuần. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại địa phương, việc rút ngắn khoảng thời gian giữa 2 lần tiêm sẽ giúp TPHCM tăng độ bao phủ mũi 2 vắc xin Covid-19.

Diễn biến dịch TPHCM 13/9: Số ca mắc mới liên tục giảm - 2

TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng hướng tới việc bao phủ vắc xin cho toàn bộ người trên 18 tuổi.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, tính đến 30/6, TPHCM có hơn 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Đến hết ngày 11/9, thành phố đã tiêm hơn 7,7 triệu mũi vắc xin Covid-19 gồm hơn 6,4 triệu người tiêm mũi một, 1,3 triệu người tiêm mũi 2.

Đối với vắc xin của AstraZeneca, thành phố đã tiêm hơn 4,8 triệu mũi, gồm hơn 4,2 triệu mũi một và gần 600.000 mũi 2.

Ngoài ra, TPHCM cũng thực hiện tiêm chủng hơn 355.000 liều vắc xin Pfizer, hơn 628.000 liều vắc xin Moderna, hơn 1,9 triệu liều vắc xin Vero Cell.

Xem thêm: TPHCM xin rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca

Tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nếu mắc Covid-19 bệnh có trở nặng?

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 của TPHCM diễn ra chiều 12/9, ông Nguyễn Văn Hữu Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã giải đáp thắc mắc: Nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, liệu có nhiễm bệnh và tử vong?

Diễn biến dịch TPHCM 13/9: Số ca mắc mới liên tục giảm - 3

Vắc xin là biện pháp bền vững để chống dịch Covid-19.

Theo ông Châu, khi tiêm vắc xin mũi 1, cơ thể có kháng thể bảo vệ, ngăn chặn khả năng nhiễm bệnh và khi tiêm mũi 2 sẽ tạo đầy đủ kháng thể hơn, bảo vệ cơ thể không bị bệnh nặng.

Lý giải việc "không bị bệnh nặng", ông cho rằng tất cả vắc xin đều bảo vệ cơ thể nhưng không bao giờ đạt tỷ lệ 100% chống nhiễm bệnh. "Tỷ lệ chống nhiễm bệnh dao động từ 70-80%, nghĩa là có 20% trường hợp sau khi tiêm vắc xin xong vẫn nhiễm bệnh" - ông Châu thông tin.

Dẫn chứng từ các thống kê trên thế giới, bác sĩ Châu phân tích: 90% số người tiêm vắc xin mũi 2 không bị bệnh nặng. Nếu bị nhiễm, thì thường không cần điều trị hồi sức tích cực, không cần thở oxy cao áp. Tuy nhiên, 10% còn lại vẫn có thể bệnh nặng và thậm chí tử vong.

Xem thêm: TPHCM: Tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nếu mắc Covid-19 bệnh có trở nặng?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm