1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ áp dụng "mã QR xanh" như thế nào?

Quang Huy

(Dân trí) - TPHCM sẽ thí điểm dùng một phần mềm duy nhất cung cấp mã QR cho người dân, trong đó có thông tin về khai báo y tế, tiêm chủng vắc xin, kết quả xét nghiệm, theo dõi sức khỏe...

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM vừa có văn bản gửi UBND Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao về việc triển khai thí điểm nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn.

Ứng dụng dựa trên nguyên tắc phát triển nền tảng khai báo điện tử của TPHCM thành nền tảng ứng dụng thống nhất phục vụ người dân tham gia hoạt động sản
xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, nền tảng này sẽ liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế. Người dân sẽ sử dụng mã QR cá nhân thống nhất, dùng chung giữa các ứng dụng như Bluezone, NCOVI, VHD, VNEID.

Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ áp dụng mã QR xanh như thế nào? - 1

TPHCM thí điểm dùng một ứng dụng thống nhất phục vụ các hoạt động tại 3 quận, huyện đã kiểm soát được dịch Covid-19.

Khi triển khai thực hiện, người dân sẽ được cấp mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh. Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh thì sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại.

Các thông tin chính gắn với mã QR cá nhân được cấp gồm thông tin về khai báo y tế, thông tin lịch sử tiêm chủng vắc xin Covid-19, kết quả xét nghiệm Covid-19, thông tin theo dõi sức khỏe tại nhà đối với các F0 cách ly tại nhà.

Khi sử dụng ứng dụng thống nhất này, người dân cần khai báo y tế điện tử trước khi ra đường, xuất trình mã QR hoặc mã số để kiểm tra khi đến các trạm kiểm soát, trụ sở sản xuất, kinh doanh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm.

Đơn vị sản xuất, kinh doanh cần lập và duyệt danh sách người lao động của đơn vị tham gia các hoạt động theo số lượng và điều kiện quy định, kiểm tra người ra/vào các khu vực kiểm soát và kiểm tra, giám sát yếu tố dịch tễ của người lao động.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM từng nêu thực trạng, hiện nay người dân cần sử dụng quá nhiều ứng dụng liên quan đến kiểm soát dịch Covid-19. Điều này gây bất tiện cho cả người dân lẫn cơ quan chức năng.

Nhận biết được vấn đề này, các cơ quan Trung ương và TPHCM đã thống nhất quan điểm, gom chung các ứng dụng kiểm soát dịch bệnh, giám sát di chuyển thành một ứng dụng duy nhất trong thời gian tới. Ứng dụng này sẽ tích hợp các dữ liệu đầy đủ của người sử dụng về tiêm chủng vắc xin, khai báo y tế...

TPHCM sẽ thí điểm triển khai tại một số địa bàn an toàn, đang từng bước mở lại các hoạt động như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Quận 7.

Tại chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 13/9, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, sau ngày 30/9, thành phố không áp dụng giấy đi đường mà có một ứng dụng di chuyển do công an quản lý. Dữ liệu của người dân sẽ được cập nhật lên ứng dụng này.